Ưu tiên doanh nghiệp sản xuất
Theo Ngân hàng Techcombank, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Techcombank đã liên tục giảm lãi suất cho vay, trong đó với lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu khác thì lãi suất khoảng 6%-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn… Đơn vị đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng nhưng sẽ không cào bằng mà tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa thiết yếu, DN có lực lượng lao động lớn.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Agribank cũng cho biết đã thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Theo đó, trung bình lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%/năm. Trong đó, có những khoản vay sẽ chỉ giảm 0,5% nhưng có những khoản vay sẽ được giảm đến 2,5%. Từ đầu năm đến nay, MBBank cũng liên tục có gói hỗ trợ lãi suất và đã giải ngân cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để tiếp tục hỗ trợ nhiều đối tượng khách hàng vượt khó khăn, trước mắt MBBank hỗ trợ trực tiếp các DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm như DN hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…, với mức lãi suất có thể giảm 1%/năm hoặc xem xét để giảm thêm.
Với việc được IFC cấp khoản cho vay dài hạn 100 triệu USD để thúc đẩy khu vực tư nhân, OCB đang triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất từ 7,5%/năm dành cho các DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ với tổng hạn mức 500 tỷ đồng. Lãnh đạo OCB cho biết, OCB đang tiếp tục điều chỉnh các chương trình cho vay để phù hợp hơn với tình hình thực tế
Nhiều NHTM khác cũng đang có các gói vay lãi suất ưu đãi từ đây đến cuối năm 2021.
Cụ thể, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ DN xuất khẩu và DN khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh với lãi suất 4%-6,7%/năm. HDBank giảm lãi suất cho vay với DN nhỏ và vừa xuống mức 6,2%/năm. ABBank vừa nâng tổng hạn mức cho vay ưu đãi khách hàng là DN lên 3.000 tỷ đồng, thực hiện đến hết tháng 9-2021 với lãi suất cho DN vừa và nhỏ vay từ 5,9%/năm. Từ nay đến hết ngày 30-9, VietCapital Bank dành 9.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2% cho DN nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp đề xuất giảm thêm
Tại cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây, nhiều NHTM đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp, và thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện trong tháng 7 cho đến hết năm 2021. Tuy nhiên, với các DN làm ăn tốt trong lĩnh vực bất động sản, đang lãi lớn hoặc những khách hàng cá nhân vay mua ô tô… sẽ không được xem xét giảm lãi suất trong thời điểm này.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết chỉ giảm lãi suất vay cho các đối tượng thực sự khó khăn, còn những DN đang có dư nợ hàng ngàn tỷ đồng, đang ăn nên làm ra thì không hỗ trợ lãi suất trong thời gian này. Bởi lẽ, với tổng dư nợ của Sacombank khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% từ nay đến cuối năm thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm hơn ngàn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Tương tự, BIDV cũng cho biết, nếu giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 sẽ giảm hàng ngàn tỷ đồng. Với tổng dư nợ của khoảng hơn 190.000 tỷ đồng, LienVietPostBank cho biết sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng khi giảm lãi suất 1%.
Để có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng, hiện nhiều NHTM như: Vietcombank, BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostBank… đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm room (hạn mức) tín dụng trong những tháng cuối năm. Theo lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm với lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 6%/năm, trung và dài hạn khoảng 8%/năm. Hiện Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng đạt 9% trên chỉ tiêu được giao là 10%, nên rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm để có thể tiếp tục hỗ trợ khách hàng.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, các NHTM nên tùy theo “sức khỏe” của mình để có mức giảm lãi suất linh hoạt, phù hợp. Ông Hà cũng cho biết NHNN sẽ xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm, đặc biệt, các NHTM đã áp dụng tốt Basel II và Basel III (quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế) sẽ được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành nhận định, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các NHTM đã có nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ DN, nhưng lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất huy động. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các NHTM tiếp tục lãi lớn trong thời gian vừa qua. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận của BIDV sẽ tăng 51% trong quý 2, Vietcombank tăng 11%, các NHTM tư nhân như ACB, HDBank, MB, MSB, Techcombank, VPBank... đều được dự báo tăng trên 30% và lợi nhuận của các ngân hàng do biên lãi ròng mở rộng so với cùng kỳ. Trước thực tế ấy đã có nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tiếp sức cho DN.
Nhà nước rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ DN rất tích cực thời gian qua. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, DN vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn. Chính vì thế, trong năm 2021, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ DN trên tinh thần tích cực, thực chất. Mặc dù vậy, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa giữa 2 mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |