Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất dự thảo nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Sử dụng vật liệu xây dựng xanh tại các tòa nhà giúp giảm khí thải nhà kính. Ảnh: CAO THĂNG
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hành lang pháp lý quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa đầy đủ, mới chỉ dừng ở tính chất quy định khung như trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 hoặc một số văn bản mang tính chất cá biệt, giá trị pháp lý chưa cao, không có tính quy phạm bắt buộc để tác động tới các chủ thể liên quan tới hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính. Cơ sở pháp lý cho các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động quản lý tín chỉ các-bon, hệ thống chính sách định giá carbon cho phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế còn thiếu. Thêm vào đó, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ dự án đơn lẻ khi có sự hỗ trợ của quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực. Việc xây dựng, thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực còn chưa bài bản, thiếu tính kết nối, liên thông đồng bộ về mục tiêu, giải pháp ở quy mô, lợi ích tổng thể của quốc gia. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa rõ ràng, minh bạch. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chỉ tập trung ở cấp vĩ mô thông qua việc xây dựng, ban hành chính sách của các bộ, ngành. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, thúc đẩy các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn còn mờ nhạt, chưa rõ. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện…Quy định lộ trình cụ thể Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam được trình cho Ban thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ngày 25-9-2015, trong đó xác định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến năm 2030 là 8% so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31-10-2016. Khi Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực vào ngày 3-11-2016, INDC của Việt Nam trở thành NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xác định trong NDC được coi là cam kết của Việt Nam với quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam sẽ chuyển từ phương thức thực hiện tự nguyện như từ trước đến nay, sang phương thức bắt buộc thực hiện bắt đầu từ năm 2021. Do vậy, để thực thi cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia, Việt Nam cần phải sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiến hành các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trước hết trong các lĩnh vực chính có phát thải khí nhà kính, cũng như làm cơ sở để điều chỉnh, khắc phục các bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Chính vì thế, trong dự thảo nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo, bộ này đề xuất giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2025, đạt mức tối thiểu 6,6%, ước tính khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương; đến năm 2030 đạt tối thiểu 8%, đạt 62,8 triệu tấn CO2 tương đương. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định này được Chính phủ ban hành sẽ giải quyết, xử lý các vấn đề đặt ra từ thực trạng, yêu cầu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng như thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030. Dự thảo cũng nêu rõ, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình bắt buộc so với tổng lượng phát thải xác định tại kịch bản phát thải khí nhà kính trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam đến năm 2030 phải đạt mức tối thiểu 8% thuộc các lĩnh vực chính gây phát thải khí nhà kính gồm: năng lượng, quản lý chất thải, nông nghiệp, sử dụng đất - thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu nêu trên được khuyến khích điều chỉnh tối đa đến 25% nếu có hỗ trợ quốc tế.