Bà Lưu Linh Hương, Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường, cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên và năng lượng điện. Cùng với đó, thúc đẩy cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển và áp dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính của các đối tác. Riêng tại TPHCM là tỉnh thành có lượng khí nhà kính phát thải lớn nhất. Trong đó, 46% nguồn thải do sử dụng năng lượng từ các nguồn cố định như các tòa nhà (dân cư, thương mại, hành chính và cơ sở hạ tầng), 45% là các hoạt động giao thông, 6% là quá trình xử lý chất thải.
Để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đô thị, cần thiết phải triển khai thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA). Đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động xử lý chất thải rắn, xây dựng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông.