Nuttanakul giờ đã nhẵn mặt với những chuyến xuồng máy chở khách dọc hệ thống kênh rạch ở Bangkok, phương tiện vận chuyển của gần 30.000 người dân thành phố mỗi ngày. “Nó rẻ và nhanh. Nếu bắt taxi hoặc xe buýt tôi phải dậy sớm hơn một giờ và mất thêm tiền. Tôi vẫn thích đi bằng xuồng hơn nếu chỗ làm mới gần kênh”, Nuttanakul nói.
Bangkok từng được ví là Venice phương Đông nhờ mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Mạng lưới kênh và sông dài hàng trăm kilômét, kết nối nhà dân, chùa chiền và không gian công cộng, đóng vai trò là hành lang vận chuyển hàng hóa và con người, đồng thời là trung tâm mua sắm với nhiều chợ nổi. Tuy nhiên, khi giao thông đường bộ và đường hàng không phổ biến hơn và dân số tăng nhanh, sông ngòi và các tuyến đường thủy đa số bị xem nhẹ, thường ô nhiễm nặng hơn do nước thải và chất thải công nghiệp. Chính quyền Bangkok đang lên kế hoạch khôi phục một số con kênh và đưa phà điện vào sử dụng nhằm giảm kẹt xe cũng như tạo ra một thành phố đáng sống hơn với mạng lưới giao thông thân thiện môi trường và ít ô nhiễm hơn.
Những năm gần đây, nhiều thành phố từ Chicago (Mỹ) tới Seoul (Hàn Quốc) đã hồi sinh các khu vực ven sông vì lợi ích kinh tế và môi trường. Chính quyền thậm chí còn trao cho một số sông hồ quyền hợp pháp như người để bảo vệ chúng tốt hơn. Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các nhà quy hoạch quan tâm đến việc khai thác hiệu quả làm mát của sông ngòi để chống lại hiện tượng đảo nhiệt đô thị cũng như vai trò của chúng trong chống ngập lụt.