UBND TPHCM vừa báo cáo HĐND TP về đề án về sắp xếp lại các BQL các dự án của TP, quận - huyện, BQL đầu tư các khu đô thị, BQL đầu tư các dự án ODA (gọi tắt là đề án).
Hiện nay, TPHCM có tổng cộng 44 BQL dự án đầu tư xây dựng, có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng.
Theo UBND TP, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đã nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã có tác động hỗ trợ tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Riêng các BQL Đầu tư - Xây dựng (BQL ĐTXD) khu đô thị mới làm đầu mối tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án trong khu đô thị mới, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lắp đầy các dự án trong khu.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức như hiện nay đã làm cho nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải. Nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, công tác thanh quyết toán kéo dài, công trình triển khai dở dang chậm được đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế- xã hội.
Ngoài ra, các BQL ĐTXD khu đô thị mới thực hiện theo mô hình cơ quan hành chính là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Vì vậy, UBND TP cho rằng cần sắp xếp, tổ chức lại để hình thành các BQL ĐTXD đủ điều kiện, năng lực giúp UBND TP đầu tư, quản lý có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cùng đó là việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy BQL ĐTXD gọn, nhẹ hiệu quả...
Cụ thể, UBND TP dự kiến hợp nhất BQL ĐTXD các công trình của các Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở VH-TT, Sở LĐ-TBXH và sáp nhập vào BQL ĐTXD công trình Nâng cấp đô thị để hình thành BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trực thuộc UBND TP, do UBND TP trực tiếp quản lý. Ban làm chủ đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các dự án khác sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách khi được giao.
BQL dự án ĐTXD có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như BQL dự án ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp nhưng nội dung liên quan đến các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, UBND TP đề xuất giữ nguyên BQLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn và UBND TP tiếp tục ủy quyền cho Sở NN-PTNT quản lý trừ nội dung nhân sự lãnh đạo.
Hiện BQLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn có giám đốc, 2 phó giám đốc và 4 phòng chuyên môn., đang quản lý 12 dự án với tổng mức đầu tư gần 1.790 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, UBND TP đề xuất thành lập BQLDA ĐTXD hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP và hợp nhất với BQL đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP. Hai đơn vị vừa nêu hiện có 250 người, đang quản 122 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 83.707 tỷ đồng.
BQLDA ĐTXD hạ tầng đô thị sẽ thực hiện công trình, dự án về cấp, thoát nước đô thị, chống ngập; công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị.
Khi sắp xếp, TP bỏ các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Trung tâm Chống ngập và điều chỉnh chức năng quản lý (về cấp nước, thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh) của Sở GTVT sang cho Sở Xây dựng.
Ngoài ra, UBND TP đề xuất thành lập các BQLDA khu vực. Cụ thể, UBND TP sáp nhập BQL khu Thủ Thiêm, BQL khu Nam, BQL khu Tây Bắc để thành lập BQL phát triển đô thị TPHCM. Cơ quan mới sẽ là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ cơ bản giữ nguyên nhưng sẽ tổ chức gọn lại với không quá 7 phòng chuyên môn.
Trước khi sáp nhập, TP sẽ sơ kết việc thực hiện thí điểm hoạt động của các 3 ban này để đánh giá lại hiệu quả hoạt động và định hướng mô hình hoạt động cho phù hợp. Cùng đó, UBND TP sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về duy trì mô hình cơ quan hành chính.
Ngoài ra, UBND TP đề xuất giữ nguyên BQL các dự án ĐTXD khu Công nghệ cao (thuộc BQL khu Công nghệ cao TP) vì đây là ban thực hiện việc quản lý các dự án đầu tư - xây dựng trong khu vực khu CNC, không phải là BQL lý có tính chất chuyên ngành như các sở - ngành và BQL chuyên ngành.
Hiện 24 quận - huyện có 24 BQL ĐTXD công trình, đang quản lý 2.500 dự án với tổng kinh phí hơn 117.780 tỷ đồng. UBND TP giao chủ tịch UBND quận - huyện thành lập BQL dự án khu vực quận - huyện trên cơ sở kiện toàn BQL ĐTXD công trình thuộc quận - huyện hiện nay.
Cùng đó, UBND TP đề xuất giữ nguyên BQL dự án đặc thù, gồm BQL Đường sắt đô thị TP; giữ nguyên Trung tâm Khai thác hạ tầng thuộc BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng các dự án đầu tư mới và mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao làm chủ đầu tư.
Đối với BQL xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP (đơn vị sự nghiệp tự chủ), UBND TP đề xuất chuyển từ trực thuộc UBND TP sang thuộc Sở QH-KT để tiếp tục quản lý dự án trung tâm triển lãm quy hoạch TP. Sau khi xây dựng xong thì trung tâm này sẽ giải thể.
Theo UBND TP, với việc sắp xếp như trên, TPHCM sẽ giảm 11 đầu mối (gồm 2 ban thuộc UBND TP và 9 ban thuộc sở - ngành), giảm ít nhất 110 biên chế hành chính và có khả năng giảm 245 người làm việc.
Hiện nay, TPHCM có tổng cộng 44 BQL dự án đầu tư xây dựng, có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng. Số ban do UBND TP quản lý là 9 ban, gồm 4 ban là cơ quan hành chính, 4 dan là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ và BQL Đường sắt đô thị (đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ). Số ban thuộc 8 sở - ngành, đơn vị thuộc UBND TP là 11 ban. Ở 24 quận - huyện có 24 BQL đầu tư xây dựng công trình (đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ). Ngoài ra, một số sở - ngành không có BQL nhưng có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư, xây dựng như: Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, số 2, số 3, số 4, Khu Quản lý giao thông đường thủy (thuộc Sở GTVT) và Trung tâm Khai thác hạ tầng (thuộc BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao). Nếu không tính cấp trưởng, cấp phó các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư, xây dựng (vì không phải là BQL dự án) thì số lãnh đạo BQL trên toàn TP gồm 43 cấp trưởng, 92 cấp phó. Trong đó, các cơ quan hành chính có 213 biên chế. Đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ có 672 và đơn vị sự nghiệp tử chủ, không giao số người làm việc có 238 người. Hiện các BQL này đang quản lý 3.101 dự án với tổng số tiền là 323.675 tỷ đồng (không tính BQL khu Nam, BQL khu Thủ Thiêm, BQL khu Tây Bắc và BQL Đầu tư - Xây dựng công trình Nâng cấp đô thị). |