Chỉ nên làm 8 giờ/ngày
Bộ luật Lao động hiện hành quy định: “Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần”; “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ”; “Người lao động làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ theo quy định tại Điều 104 của bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc”; “Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác”; “Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày”; “Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm”...
Thực tế, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động Việt Nam là 48 giờ, cộng với giờ làm thêm tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/năm thì tổng quỹ thời gian làm việc của người Việt Nam lên đến 2.620 giờ/năm. Mặc dù vậy, hiện nay cũng đang có ý kiến tăng giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm.
Ý kiến phản biện của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (đại biểu Quốc hội TPHCM), tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi rất thuyết phục: Nếu duy trì mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, có nghĩa là trung bình người lao động phải làm thêm 6 giờ mỗi tuần, tức mỗi ngày phải làm thêm 1 giờ, duy trì liên tục 9 giờ làm việc mỗi ngày cả 12 tháng.
Để hợp với xu thế của thế giới, Việt Nam cần có lộ trình giảm chế độ làm việc 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần. Để tăng năng suất thì phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm, chứ không phải ngược lại, nới khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm.
NGUYỄN VĂN TOÀN (phường Phú Hiệp, TP Huế )
Cải thiện chất lượng sống của người lao động
Hiện nay, người lao động nước ta phải làm 6 ngày trong tuần, với 48 giờ hoặc hơn (hiện có đến 89,6% doanh nghiệp làm việc 48 giờ mỗi tuần), ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, không đủ thì giờ để nghỉ ngơi, thư giãn nhằm tái tạo sức lao động, càng không có thời gian để học tập nâng cao trình độ. Một số người lao động ngoài giờ làm việc chính thức còn phải tăng ca thường xuyên, cảm thấy làm nhiều như vậy là không tốt cho sức khỏe và ảnh hưởng sự gắn kết gia đình, nhưng lại chấp nhận bởi làm việc nhiều thì thu nhập tốt hơn.
Xét trên nhiều mặt, giảm giờ làm là một giải pháp mang tính nhân văn cao. Trên các diễn đàn, phần đông ý kiến của người dân ủng hộ việc giảm giờ làm, bao gồm giảm giờ làm hàng tuần (từ 48 giờ xuống còn 44 hoặc 40 giờ), tăng số ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương, giảm hoặc giữ nguyên số giờ tăng ca. Xu hướng chung của thế giới là ngày càng giảm giờ làm. Các nước Bắc Âu đã thực hiện tuần làm việc 35 giờ (5 ngày/tuần, 7 giờ/ngày) từ khá lâu. Tại Singapore và Indonesia có quy định thời gian làm việc ít hơn Việt Nam. Một số nước khác cho phép phụ nữ sinh con được nghỉ hưởng đủ lương trong suốt một năm; người chồng cũng được nghỉ vài tuần. Trong khi ở nước ta phụ nữ sinh con chỉ được nghỉ 6 tháng, người chồng chỉ được 5 ngày. Cùng với việc giảm giờ làm, nhiều nước cũng tăng số ngày nghỉ lễ hưởng nguyên lương.
Thời gian làm việc giảm đi hẳn nhiên sẽ có thể giảm sản lượng tuyệt đối, nhưng chất lượng và năng suất lao động có thể tăng lên, bởi người lao động được nghỉ ngơi tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe, được học tập… Xét ở góc độ kinh tế, giảm giờ làm cũng là cách để kích thích tiêu dùng, khi người lao động có thêm thời gian đi mua sắm, sử dụng các dịch vụ. Tuy nhiên, giảm thời gian làm việc phải đi đôi tăng năng suất lao động, thúc đẩy cải tiến về năng suất.
Thực tế đây là một đòi hỏi quan trọng của nước ta trong tiến trình hội nhập, bởi năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm khá thấp. Tăng năng suất lao động phải được thực hiện đồng thời ở cả phía Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước phải tạo điều kiện để người lao động được học tập, nâng cao tay nghề thông qua việc mở rộng hệ thống trường nghề, nâng chất lượng đào tạo nghề, có chế độ hỗ trợ phù hợp, có chính sách nâng cao nguồn nhân lực…
Phía doanh nghiệp phải không ngừng cải kiến kỹ thuật, sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện và có biện pháp hỗ trợ người lao động được học tập, bồi dưỡng. Phía người lao động phải chủ động nâng mình lên để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới, không được ỷ lại, thụ động, đồng thời có kế hoạch sử dụng thời gian nghỉ sao cho thật khoa học, hợp lý và có ích.
TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)