Tuy nhiên, những biện pháp đang áp dụng không có khả năng giải quyết được các vấn đề của hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa vào chữa trị nội viện, mà đòi hỏi cần có giải pháp mới là y tế ngoại viện. Đây là vấn đề đặt ra tại hội nghị giải pháp ngoại viện, do Hội Y tế công cộng TPHCM tổ chức mới đây.
Gánh nặng khám chữa bệnh nội viện
Theo Tổng cục Dân số, đến năm 2050, Việt Nam là quốc gia có dân số siêu già nhất thế giới, đến nay đã có khoảng 10 triệu người cao tuổi, dự kiến đến năm 2030 sẽ là 19 triệu người.
Nhằm giảm gánh nặng cho việc chăm sóc khám chữa bệnh nội viện, theo Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, cần phát triển giải pháp y tế ngoại viện. Thông thường, người dân khi đi khám chữa bệnh sẽ chọn những cơ sở y tế có uy tín, chuyên môn cao, nhất là các bệnh viện (BV) chuyên khoa đầu ngành, làm cho tình trạng quá tải ngày càng nhiều. Trên thực tế, tại mỗi BV chuyên khoa, trung bình có khoảng 60% - 70% số lượng bệnh nhân có thể điều trị ở các tuyến dưới, nhưng do người dân chưa thực sự tin tưởng y tế cơ sở nên chấp nhận mất nhiều thời gian để được khám ở những BV chuyên khoa đầu ngành: chờ đợi 3 - 4 tiếng nhưng chỉ thụ hưởng thật (được thăm khám) chưa đến 30 phút.
Vì vậy, giải pháp y tế ngoại viện phát triển sẽ cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, bao gồm dự phòng và điều trị, được thực hiện bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế, thông qua sự kết nối giữa người dân và cán bộ y tế. “Giải pháp ngoại viện với công nghệ thông tin 4.0 là xu thế phát triển hiện nay và tương lai trên toàn cầu sẽ góp phần giải quyết gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bác sĩ Lê Trường Giang nhấn mạnh.
Alobacsi là cổng thông tin chăm sóc sức khỏe, đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai tư vấn sức khỏe online, chăm sóc sức khỏe từ xa. Trong 7 năm qua đã tư vấn miễn phí cho hơn 2,2 triệu lượt câu hỏi của bạn đọc - người bệnh quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày có khoảng 300 BS ở các BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Từ Dũ… tham gia tư vấn.
Theo bác sĩ Lê Trường Giang, các cấp độ chăm sóc sức khỏe ngoại viện có thể là người dân tự thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình; thực hành chăm sóc sức khỏe từ xa với sự tư vấn và hỗ trợ của cán bộ y tế; theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe và bệnh tật; khám chữa bệnh cấp cứu tại nhà. Mấu chốt quan trọng nhất của y tế ngoại viện là bác sĩ gia đình (BSGĐ). Tuy nhiên, BSGĐ hiện nay đang hành nghề chủ yếu tại các phòng khám, các BV và hầu như không sử dụng bất kỳ phương tiện gì để kết nối với bệnh nhân của mình để thực hiện được mục tiêu chăm sóc toàn diện và liên tục. Điều này dẫn đến hậu quả là hầu như BSGĐ không có được vai trò cần thiết đối với người bệnh, người dân và xã hội. “BSGĐ phải đóng vai trò là bác sĩ riêng của bệnh nhân, là chỗ dựa đầu tiên và tin cậy của bệnh nhân, hiểu biết và sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để tạo nên sự kết nối chặt chẽ với người bệnh và các bác sĩ ở các BV”, bác sĩ Lê Trường Giang kiến nghị.
Cần sự kết hợp đa ngành
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, nguồn lực cơ bản cho giải pháp y tế ngoại viện gồm nhân viên y tế, thiết bị y tế, công nghệ, khách hàng, cơ sở y tế. Điều cốt lõi là chăm sóc toàn diện và liên tục, biến dự phòng và chăm sóc sức khỏe mạnh là nhiệm vụ chính để người dân được hưởng thụ. Bên cạnh đó, giải pháp ngoại viện nhắm tới hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện và liên tục, từ lúc chưa bệnh rồi bệnh nhẹ, cho đến lúc bệnh nặng. Sau khi điều trị thì vẫn được chăm sóc tại nhà, được chăm sóc liên tục không ngắt quãng, nắm được bệnh tình của bệnh nhân cần đến chuyên khoa nào. Hạn chế để người bệnh tự mò mẫm khắp nơi để điều trị, tốn tiền, tốn thời gian.
Cùng với đó, BSGĐ là bác sĩ chuyên khoa có kiến thức tổng quát, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xung quanh phòng khám của mình; là cầu nối trong chuỗi chăm sóc về y tế. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, y tế ngoại viện muốn phát triển phải mang tầm quốc gia. TPHCM sẽ đi đầu áp dụng giải pháp y tế ngoại viện với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc toàn diện ban đầu. Còn để xây dựng mạng lưới y tế ngoại viện đòi hỏi có sự kết hợp của đa ngành, bao gồm các trường y, bộ ngành, y tế cơ sở, công lập và tư nhân và truyền thông.
Hiện TPHCM có 20/23 BV quận, huyện đã thành lập phòng khám (PK) BSGĐ thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1-4 bàn khám do bác sĩ được đào tạo riêng về y học gia đình phụ trách; 136/319 trạm y tế phường - xã thành lập 1 PK BSGĐ với cơ cấu từ 1 bàn khám; 1 phòng PK BSGĐ thuộc PK đa khoa tư nhân. Trong thời gian qua, các PK BSGĐ đã khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu cho hơn 439.000 lượt khám chữa bệnh; thực hiện 1.652 ca thủ thuật, hơn 33.000 ca xét nghiệm; hơn 400 ca khám bệnh tại nhà.