Chiều 6-7, thảo luận tại tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng đã phát biểu chia sẻ những “mối lo” của ngành y tế TPHCM hiện nay.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng phát biểu. Ảnh: C.T.V
Trước lo ngại của đại biểu huyện Bình Chánh về thiếu vaccine phòng dịch Covid-19, ông Tăng Chí Thượng khẳng định hiện không lo thiếu vaccine. Thực hiện đợt cao điểm tiêm chủng mới đây, TPHCM hiện tiêm khoảng 50.000 lượt/ngày.
Với biến chủng BA.4 và BA.5, hiện y tế thế giới vẫn đang theo dõi có gây diễn tiến nặng hay không, nhưng đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm. Bộ Y tế đã ghi nhận số ca mắc mới tăng lên. TPHCM cũng có tín hiệu tăng nhẹ, nếu như tháng trước dưới 30 ca/ngày, hiện khoảng trên 50 ca.
“Với Covid-19, chúng ta không chủ quan. Nếu có dấu hiệu gì, chúng tôi sẽ kích hoạt lại hệ thống trước đó”, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho hay, và thông tin thêm: hiện dịch sốt xuất huyết là đáng lo nhất, ngành y tế TPHCM đang đặt mình trong nguy cơ dịch chồng dịch.
Theo ông, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 200% so với cùng kỳ, từ đầu năm tới nay có 11 trường hợp tử vong. Đây là con số lớn, khi các năm trước cả năm có khoảng 8, 9 hoặc 10 trường hợp, nay mới đầu mùa đã có 11 trường hợp. Trong đó có trẻ em, phụ nữ mang thai.
“Với dịch sốt xuất huyết, chúng tôi rất lo. Đã thấy rõ tác nhân truyền bệnh là muỗi, mà không diệt được thì dịch còn bùng phát dữ dội”, ông Tăng Chí Thượng nói và đề nghị, các quận huyện chú trọng diệt lăng quăng, mở các đợt vệ sinh môi trường, nhất là các nguồn nước ứ đọng.
Theo ông Tăng Chí Thượng, lo nhất là dịch chồng dịch nhưng có thể ngăn ngừa được nếu nỗ lực tối đa. Covid-19 thì tiêm vaccine, sốt xuất huyết thì diệt loăng quăng.
Ngành y tế cũng đang đứng trước thách thức lớn là nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư. Hiện hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đã đấu thầu xong các loại thuốc điều trị các bệnh phổ biến. Tháng 7 này, TPHCM sẽ có Trung tâm mua sắm tập trung để hỗ trợ các cơ sở y tế không đủ lực tổ chức đấu thầu. Sở sẽ ưu tiên đấu thầu thuốc cho y tế cơ sở trước.
Theo ông Tăng Chí Thượng, nguy cơ thứ ba là đáng lo nhất, đó là nhân viên y tế ở các bệnh viện nghỉ việc, nguyên nhân chủ yếu do mức thu nhập không đủ để họ an tâm công tác. Năm 2021 chống dịch, cả thành phố có khoảng 1.100 nhân viên y tế nghỉ việc thì 6 tháng đầu năm 2022 có gần 900. Như vậy, chỉ trong 18 tháng có hơn 2.000 người nghỉ việc, trong đó khoảng 500 bác sĩ, 700-800 điều dưỡng.
“Hiện Bộ Y tế và Chính phủ đã nắm thực tế này và sắp tới sẽ có chính sách. Riêng TPHCM cũng đang nghiên cứu thêm; đồng thời sở cũng nghiên cứu sâu, mạnh dạn đề xuất củng cố, phát triển mạng lưới cộng tác viên cộng đồng để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở các địa phương”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin và cho biết tới đây, sở mở kênh giám sát phòng chống dịch. Với kênh giám sát trên, người dân phát hiện khu vực nào lơ là chống dịch, muỗi nhiều thì báo lên để xử lý ngay.