Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng: Phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, tạo cơ sở cho việc xây dựng ngành nông nghiệp xanh, bền vững. Đó là nội dung phỏng vấn của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng với ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai.

Clip: Người dân huyện Định Quán trồng sầu riêng cho thu nhập cao

Phóng viên: Sau 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Ngày 27-8-2024, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển NNCNC, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

z6000476401580_cee9e7a369562eaee0e183a75de2990e.jpg
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai

Kết quả, Đồng Nai có 418 mô hình đạt ứng dụng NNCNC, 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, 8 vùng nông nghiệp ứng dụng NNCNC và 9 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ.

Tỉnh có 100% diện tích trồng mới, tái canh sử dụng các giống mới, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 59.754ha và 3.002,5ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt.

Đáng chú ý, người dân, doanh nghiệp đã ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng tại Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú. Đối với ngành chăn nuôi, địa phương có 65% đàn heo, 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, 83,91% cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.

Tỉnh có 5 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, 125 trang trại, 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô hàng năm cung cấp ra thị trường, tương đương 88.100 tấn thịt heo.

Hiện Đồng Nai có bao nhiêu vùng trồng trọt theo hướng hữu cơ và kế hoạch mở rộng vùng sản xuất hữu cơ như thế nào, thưa ông?

Đồng Nai có 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô 1.555ha thuộc các huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Xuân Lộc 3, Tân Phú và Long Thành 1. Một số vùng tiêu biểu như, vùng hồ tiêu 300ha (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ), vùng lúa 168ha (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) và vùng lúa 50ha (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ).

Mô hình quýt đường của gia đình anh Hà Thắng (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bài 2.jpg
Mô hình quýt đường của gia đình anh Hà Thắng (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Để mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, tỉnh xác định 8 vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 4.400ha, 23 điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ lẻ ngoài vùng tập trung và ưu tiên 9 loại cây trồng (lúa, rau thực phẩm, điều, hồ tiêu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, chôm chôm) để tập trung xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ.

Ngành nông nghiệp đề xuất 10 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị và các hoạt động thu hút đầu tư được các ngành, địa phương xúc tiến gắn với định hướng vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, như: Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 23-4-2021 về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 19-7-2021 về hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp; Chương trình số 08/CTr-UBND ngày 21-7-2022 về hỗ trợ sản xuất an toàn giai đoạn 2022 – 2025; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14-7-2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2030.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân xác định diện tích đủ điều kiện sản xuất, chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm, vật tư sản xuất và truy xuất nguồn gốc, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Xin ông chia sẻ ngành chăn nuôi của tỉnh có giải pháp gì để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn?

Ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (61,83%), trong đó, tổng đàn gà khoảng 22,6 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm 91% tổng đàn, đàn thủy cầm khoảng 2,8 triệu con và 8.000.000 con chim cút.

Heo nái hậu bị của người dân xã Bình Thằng, huyện Trảng Bom đang được nuôi với quy trình khép kín, đảm bảo đầu ra.jpg
Một mô hình nuôi heo lạnh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại huyện Trảng Bom

Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, Đồng Nai đang xây dựng 380 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh và đang tăng cường giám sát dịch bệnh động vật, tổ chức tiêm phòng tại các vùng nguy cơ cao đối với các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, siết chặt quản lý chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh.

Tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi, quy định vùng cấm nuôi, vùng nuôi chim yến, quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Nhờ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, Đồng Nai đã xây dựng 7 vùng cấp huyện, 11 vùng cấp xã đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Niucátxơn và 5 vùng cấp xã đối với bệnh dại.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 10 vùng cấp huyện (ngoại trừ TP Biên Hòa) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và năm 2030, địa phương duy trì các vùng an toàn dịch bệnh nói trên và có 3 vùng cấp huyện là Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Đồng Nai hướng tới xây dựng 2 vùng chăn nuôi gia súc cấp huyện đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo cổ điển theo quy định của Việt Nam ở 2 huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đề ra giải pháp như thế nào để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, hướng tới xuất khẩu, thưa ông?

Theo Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 2,8 - 3,0 %/năm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 28,3%, nâng cao diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phấn đấu đến năm 2030 đạt 27.000ha; tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%.

Cùng với đó, có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước và chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường.

Làm bưởi Hồ lô bán tết ở làng bưởi Tân Triều.JPG
Người dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang chú trọng xây dựng thương hiệu bưởi Tân Triều

Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp đang tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững.

Đồng thời, Đồng Nai chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Tin cùng chuyên mục