Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc bổ sung đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ số 15).
Theo QĐ số 15, đối tượng được hỗ trợ là lao động tự do ở 6 ngành nghề, công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Tại TPHCM, căn cứ tình hình thực tế, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn phân tích, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nhưng nhóm lao động tự do trên địa bàn TPHCM vẫn đang chịu ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, việc bổ sung hỗ trợ nhóm lao động tự do ngoài 6 ngành nghề, công việc đã nêu trong QĐ số 15 là thực sự cần thiết, nhằm giảm bớt một phần gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống của người dân.
Theo UBND 24 quận, huyện, hiện có khoảng 89.300 lao động tự do thuộc các nhóm ngành nghề, với khoảng 280 tên gọi công việc khác nhau, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sau khi rà soát, xác định tiêu chí đối tượng, điều kiện hỗ trợ, phân nhóm ngành nghề, công việc của người lao động tự do bị mất việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị mở rộng việc hỗ trợ tới nhiều nhóm công việc.
Cụ thể gồm: người làm công việc quét dọn, giúp việc gia đình thuê; bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê; xử lý hạt giống để nhân giống, đốn lá lợp nhà; đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa; thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm theo nhóm; tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải; tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công mỹ nghệ, làm đẹp, thể thao, giải trí.
Mức hỗ trợ được đề xuất là 1 triệu đồng/người/tháng, chi theo hằng ngày, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch và việc làm của người lao động nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ ngân sách TPHCM.
Về kết quả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, tính đến ngày 22-6, TPHCM đã giải quyết hỗ trợ cho hơn 477.300 người dân trong tổng số hơn 568.300 người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 (đạt 84%) và hỗ trợ 3.175/5.792 doanh nghiệp (55%) với tổng số tiền gần 528 tỷ đồng.
Gần 100% hộ có công, hộ nghèo, bảo trợ đã nhận được hỗ trợ. TPHCM đã hỗ trợ với mức 500.000 đồng/người/tháng cho gần 32.500 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (đạt tỷ lệ gần 100%). Cùng với mức hỗ trợ trên, hơn 124.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng đã nhận được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 99%. Riêng hộ nghèo, cận nghèo, toàn bộ gần 108.000 người đã nhận được hỗ trợ với số tiền hơn 81 tỷ đồng, đạt 100%. Một tỷ lệ nhỏ người có công, diện bảo trợ xã hội (khoảng 0,5%) chưa nhận hỗ trợ với lý do về quê, chưa liên hệ được, hẹn lần sau, đi nước ngoài.
Về việc hỗ trợ những lao động tự do mà không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, TPHCM có gần 220.000 người thuộc diện này. Tính đến nay, gần 144.000 người (hơn 65%) đã nhận hỗ trợ với số tiền gần 144 tỷ đồng (1 triệu đồng/người/tháng).
Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) do bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đến nay, TPHCM giải quyết cho hơn 35.500 trong tổng số hơn 43.300 người (tỷ lệ 82%) của 1.023/1.881 doanh nghiệp, với số tiền gần 37 tỷ đồng.
Về hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4-2020 (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng), TPHCM đã chi hỗ trợ cho 1.151 hộ trong tổng số hơn 2.600 hộ, đạt tỷ lệ hơn 44%.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, thống kê cho thấy, TPHCM có 16 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đến nay, giải quyết cho 1 doanh nghiệp với 12 lao động được vay hơn 44 triệu đồng.