Chiều 10-6, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay trên địa bàn TPHCM, có khoảng 50.000-60.000 người lao động bị mất việc, ngừng việc.
Ông Lê Minh Tấn đánh giá, số lượng người lao động bị mất việc, ngừng việc hiện nay không tăng hơn nhiều so với số lượng người lao động bị mất việc, ngừng việc ở cao điểm phòng, chống dịch vào tháng 4-2020. Bởi, nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm ứng biến, có giải pháp tích cực để giữ chân người lao động như giãn ngày làm việc, chia ca làm việc luân phiên để nhiều người lao động cùng có việc làm.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trụ lại, duy trì sản xuất, kinh doanh. Một số ngành, lĩnh vực như vận tải, du lịch, khách sạn, giải trí… sẽ mất đi đà phục hồi của năm ngoái và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.
Hiện nay, dịch Covid-19 tại TPHCM đang diễn biến phức tạp, cấp độ và tính chất nguy hiểm hơn những đợt dịch xảy ra trước đó. TPHCM đang áp dụng biện pháp mạnh là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. TPHCM cũng xuất hiện một số thách thức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Gói an sinh xã hội lần 2 nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 sẽ được thực hiện với thủ tục đơn giản nhất để người dân, doanh nghiệp thuận lợi và kịp thời tiếp cận chính sách hỗ trợ của TPHCM. Chỉ có sự hỗ trợ thuận lợi và kịp thời thì sự hỗ trợ mới có ý nghĩa, đúng với tinh thần chia sẻ, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Đối với những lao động tự do, buôn gánh bán bưng, người làm việc ở những ngành nghề mới phát sinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM chia sẻ, rất khó để sử dụng ngân sách chi hỗ trợ cho những người này. Vì thế, Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sử dụng nguồn kinh phí vận động được để kịp thời hỗ trợ người làm việc ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động. “TPHCM không để ai bị bỏ lại phía sau, dù trong những lúc khó khăn nhất”, ông Lê Minh Tấn khẳng định.
Trước đó, ngày 8-6, Sở LĐTB-XH TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Sở KH-ĐT TPHCM về đề xuất chính sách hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 1.075 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở LĐTB-XH đề xuất hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021. Đối tượng thụ hưởng là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giáo viên, nhân viên (kể cả bảo mẫu); người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trẻ em mắc Covid-19, trẻ em phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH cũng đề xuất chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động trong doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động. Sở cũng đề xuất hỗ trợ người có công với cách mạng, thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội…
Riêng với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội cũng sẽ được hỗ trợ.