Sáng 11-7 diễn ra ngày thứ hai của kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X. Tham dự ngày làm việc có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì buổi làm việc.
|
Theo đó, HĐND TPHCM sẽ tiến hành chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND quận 1. HĐND TPHCM cũng sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025; về thực hiện công tác nhân sự của UBND TPHCM.
Trước khi bước vào nội dung chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch quốc tế tăng 306% so cùng kỳ (nhưng chỉ bằng 50% so với năm 2019); thu hút hơn 16 triệu khách nội địa, (tăng 48%), doanh thu đạt hơn 48.000 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VĂN MINH |
Đặc biệt, với sự điều hành lãnh đạo linh hoạt của các cấp ủy, chính quyền thành phố, ngay sau dịch, ngành du lịch đã nhận được các chỉ đạo để có kịch bản phục hồi sau dịch. Có thể kể đến các chương trình nổi bật của ngành du lịch như chương trình “TPHCM chào đón bạn – Welcom to Ho Chi Minh City”, đã huy động sự quan tâm, tham gia của các cấp, các ngành, thu hút khách du lịch đến thành phố. Đó còn là chương trình mỗi quận huyện phát triển một sản phẩm đặc trưng (OCOP), đáp ứng được du lịch tại chỗ và phát huy du lịch nội địa.
>> Nội dung chất vấn Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa:
ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc nêu ý kiến tại phiên chất vấn. Ảnh: VĂN MINH |
Đưa ý kiến chất vấn, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc (quận Tân Bình) đề nghị Giám đốc Sở Du lịch thông tin về giải pháp sắp tới để nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch thành phố có chương trình hành động gì để phát triển du lịch bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên để ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố?.
Trả lời ĐB Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc Sở Du lịch thông tin, trên cơ sở khảo sát du khách và nghiên cứu thị trường, ngành du lịch thành phố đã xác định được 5 yếu tố cốt lõi và xây dựng thương hiệu, chất lượng cũng như chiến lược truyền thông. Ngành du lịch cũng tiến hành xúc tiến quảng bá du lịch thành phố, như quảng bá thương hiệu thành phố và các khu vực vùng ngoại thành. Công tác xúc tiến du lịch cũng đi cùng với nghiên cứu thị trường để doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm.
Trong công tác quảng bá cũng xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó là tăng cường công tác truyền thông đa phương tiện, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài để quảng bá bên cạnh việc quảng bá qua các kênh ngoại giao, nhân dân. Ngành du lịch cũng phối hợp với các ngành khác để tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu du khách.
Về công tác phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TPHCM, ngành du lịch có 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Đó là, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố. Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.
“Ngành du lịch xác định đây là những sản phẩm chính cần tiếp tục nâng cấp và giai đoạn tới sẽ đầu tư thêm các cơ chế, chính sách để có các sản phẩm xứng tầm”, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm. Hiện sở đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan lựa chọn các tuyến, xây dựng đề án phát triển du lịch của TPHCM.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG |
ĐB Đặng Trần Trúc Dao (huyện Hóc Môn) thì cho rằng thời gian qua, TPHCM triển khai 3 tuyến du lịch khám phá TPHCM nhưng chỉ dừng ở các địa điểm nội đô. Trong khi đó, các huyện ngoại thành không thiếu các điểm du lịch tiềm năng cần sự vào cuộc quảng bá của ngành Du lịch. ĐB đề nghị Giám đốc Sở Du lịch cho biết về các giải pháp phát triển du lịch các huyện ngoại thành, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương này?
Còn ĐB Hoàng Thị Tố Nga (quận 1) đề nghị Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thông tin về các giải pháp phát triển các mô hình du lịch truyền tải các giá trị truyền thống lịch sử.
ĐB Hoàng Thị Tố Nga đặt câu hỏi đến Giám đốc Sở Du lịch TP. Ảnh: VĂN MINH |
Trả lời hai ĐB, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sở phối hợp tiếp tục phát triển các sảm phẩm gắn với văn hóa, tăng tính trải nghiệm cho du khách cũng như phát triển các ứng dụng để tăng cường quản lý dữ liệu số, quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch văn hóa. Đồng thời tăng cường phối hợp các địa phương đầu tư, phát triển du lịch văn hóa của mỗi địa phương.
ĐB Trần Quang Thắng (quận 11) đặt vấn đề việc cải tiến thủ tục cấp và gia hạn visa đã mang lại hiệu quả tích cực như thế nào cho ngành du lịch thành phố?
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay, chính sách visa vừa được Chính phủ ban hành là cơ hội lớn cho ngành du lịch. Sở Du lịch sẽ chủ động phát triển các sản phẩm lưu trú có thời hạn dài ngày để đón đầu chính sách này. Đối với sản phẩm dài ngày, thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh thành khác và các quốc gia trong khu vực để phát triển.
ĐB Huỳnh Đăng Hà Tuyên (quận Bình Tân) đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: VĂN MINH |
ĐB Huỳnh Đăng Hà Tuyên (quận Bình Tân) phân tích, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển. Nhiều người dân TPHCM đã chọn Phan Thiết làm điểm đến du lịch. Vậy giải pháp của Sở Du lịch TPHCM như thế nào để thúc đẩy người dân sử dụng các sản phẩm du lịch của chính thành phố?
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nhìn nhận, hiện ngành du lịch có 2 khó khăn chính. Đó là thiếu các cơ chế chính sách và nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được xác định trọng tâm để tháo gỡ và tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách mới như huy động tài chính tái đầu tư cho các điểm du lịch xuống cấp; khuyến khích hỗ trợ người dân doanh nghiệp phát triển các sản phẩm; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.
“Ngành du lịch nhận định, khách chọn các địa điểm lưu trú ở tỉnh, thành khác là tín hiệu mừng. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại mà phải xác định làm thế nào để khách lựa chọn và sử dụng các dịch vụ ở cả TPHCM và các tỉnh, thành khác trong hành trình của mình” - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM NGUYỄN THỊ ÁNH HOA.
ĐB Lê Minh Đức (quận 4) nhận xét, thành phố có lợi thế phát triển kinh tế đêm, kinh tế đường sông. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho thấy du lịch thành phố chưa bền vững, nhiều du khách đến rồi không trở lại do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn. ĐB đề nghị ngành du lịch thông tin về các giải pháp nâng chất sản phẩm du lịch
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Nga (huyện Hóc Môn) đặt vấn đề dù doanh thu và lượng khách đến TPHCM trong 6 tháng đầu năm cao nhất nước nhưng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách tại thành phố có xu hướng giảm. TPHCM có giải pháp gì để nâng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách?
ĐB Nguyễn Thị Nga (huyện Hóc Môn) đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Du lịch TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về phát triển sản phẩm du lịch đường sông, Giám đốc Sở Du lịch nhận định, để phát triển du lịch đường thủy thì trước hết phải thúc đẩy giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay người dân thành phố chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông thủy.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các cơ chế chính sách, đề án nâng chất lượng giao thông đường thủy kết hợp phát triển du lịch. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đầu và cuối các tuyến giao thông thủy, tổ chức các dịch vụ thể thao trên và dưới nước, các chương trình phục vụ du khách. Ngành du lịch cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quảng bá các sản phẩm du lịch.
Về kinh tế đêm, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng đây sẽ là lĩnh vực làm tăng chi tiêu của du khách. Hiện nay các địa phương, nhất là quận 1 và quận 3 đang tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ về đêm gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm. Trong chức năng của mình, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát các quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, hầu hết các địa phương đã phát triển sản phẩm trên địa bàn. Hiện sở đang phối hợp với các chuyên gia thống kê, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng để phát triển tuyến du lịch. Nhấn mạnh đến chương trình mở cửa cho du khách tham quan trụ sở HĐND, UBND TPHCM vừa qua, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định đây là một hướng phát triển rất mới, nhận được hưởng ứng của du khách. Trên cơ sở phản hồi tích cực của du khách, sở sẽ phát huy thế mạnh này, gắn các di sản, di tích trên địa bàn và các tuyến du lịch của thành phố nhằm tăng tính hấp dẫn của du lịch thành phố. Bên cạnh đó, sở cũng chú trọng kết nối việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông gắn với các di sản văn hoá, lịch sử.