Trong Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) vừa qua, Điện ảnh Quân đội Nhân dân (ĐAQĐND) đã tạo ấn tượng khi tham gia dự thi ở 3 thể loại đều được giải thưởng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với NSƯT, Đại tá Vũ Văn Chính (ảnh), Giám đốc ĐAQĐND để độc giả hiểu hơn về công việc của những nghệ sĩ mặc áo lính…
- Phóng viên: Thưa đại tá, ông đánh giá thế nào về kết quả mà ĐAQĐND đạt được trong LHPVN vừa qua?
Đại tá VŨ VĂN CHÍNH: Tại LHPVN lần này, ĐAQĐND nhận Bông sen vàng cho phim truyện video Mười ba bến nước, đồng thời giành trọn các giải thưởng quan trọng nhất ở thể loại này (giải thưởng xuất sắc nhất cho đạo diễn, quay phim, nam diễn viên chính, nữ diễn viên chính, nữ diễn viên phụ); Bông sen bạc cho bộ phim tài liệu Những hy sinh thầm lặng, bằng khen BGK cho bộ phim khoa học Nghệ thuật ngụy trang quân sự. Đây là một thành công lớn, bởi kỳ LHP này ĐAQĐND góp mặt ở 3 thể loại phim của liên hoan và đều giành giải thưởng.
ĐAQĐND là một tên tuổi lớn trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, đã có không ít băn khoăn: Liệu thế hệ nghệ sĩ áo lính hôm nay có gánh vác nổi bề dày truyền thống của một đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân hay không? Tác phẩm của họ sẽ đứng ở vị trí nào trong nền điện ảnh dân tộc?...
Những tác phẩm ra đời trong thời gian gần đây, nhất là thành công rực rỡ tại LHPVN lần thứ 16 vừa qua, là câu trả lời thuyết phục nhất cho những quan ngại bấy lâu nay. Đó không chỉ là công sức của các bậc đàn anh, mà ở đây đã xuất hiện những nhân tố mới góp phần làm nên diện mạo mới cho ĐAQĐND trong giai đoạn hiện nay. Thế hệ các em hôm nay chịu khó tìm tòi, học hỏi, có chính kiến và dám thể hiện mình. Tôi tin vào các em, vào sự nhiệt tình và tâm huyết của thế hệ trẻ này.
- Trong thực tế công chúng dễ có suy nghĩ những tác phẩm của ĐAQĐND sẽ khô cứng, kém hấp dẫn. Ông có ý kiến gì về điều này?
Làm phim về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về người lính trong giai đoạn hiện nay, để hấp dẫn được người xem là việc làm hết sức khó khăn, nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có tâm huyết, tài năng của mỗi nghệ sĩ đến thị hiếu khán giả.
Tính chất tuyên truyền, giáo dục trong những tác phẩm chính thống của ĐAQĐND khiến một số khán giả chưa từng xem phim có thể sẽ có suy nghĩ rằng phim của những “người lính” khô cứng, khó xem...
Mặc dù vậy, nếu trong các tác phẩm làm về đề tài người lính khi phản ánh cuộc sống sau chiến tranh, đặc biệt là cuộc sống trong môi trường quân đội, các tác giả đi vào khai thác những vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc, hướng người xem tới cái nhìn bao dung, nhân ái, tôi tin rằng những tác phẩm như vậy sẽ chinh phục được người xem, cho dù là người xem khó tính.
- Phim tài liệu là thế mạnh của ĐAQĐND, thế nhưng ở LHP lần này phim truyện của hãng lại được đánh giá cao. Phải chăng ĐAQĐND đang có chuyển hướng để chinh phục công chúng?
Tham gia suốt 16 kỳ LHPVN, cũng như ở một số LHP quốc tế, ĐAQĐND đã giành được nhiều Bông sen vàng cùng nhiều phần thưởng danh giá, nhưng chủ yếu ở thể loại phim tài liệu và khoa học, vốn là thế mạnh của những “người lính” làm phim mấy chục năm qua.
ĐAQĐND hiện nay là cơ sở sản xuất phim tổng hợp, bao gồm các thể loại phim tài liệu, phim khoa học và phim truyện. Chúng tôi vẫn luôn xác định, cho dù ở thể loại nào thì vấn đề vẫn là cảm xúc của các tác giả về con người và thân phận con người, về các sự kiện lịch sử cần được đề cập sâu sắc trong mỗi tác phẩm của mình. Không những thế, điều quan trọng trong mỗi tác phẩm cho dù là ít nhất cũng phải chứa đựng những yếu tố nhân văn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ và cần khai thác một cách nào đó để hấp dẫn người xem.
- Trong xu thế cạnh tranh, xã hội hóa điện ảnh, ĐAQĐND phải làm gì để tồn tại và phát triển?
Dù trong xu thế nào chăng nữa, để tồn tại và được công chúng đón nhận, điều tiên quyết vẫn là chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm.
ĐAQĐND là một đơn vị bộ đội làm nghệ thuật, đương nhiên chúng tôi hoạt động với tư cách là những người lính trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Tuy nhiên các tác giả của ĐAQĐND vẫn phải luôn có những tìm tòi sáng tạo để đổi mới chính mình, hòa chung được vào dòng chảy “đổi mới và hội nhập” như hiện nay.
- Ông có ngại rằng những đề tài về người lính đang dần ít được quan tâm và không hợp thị hiếu khán giả?
Tôi không cho là như thế, bởi tôi nghĩ rằng cho dù là đề tài gì đi chăng nữa nếu hướng được con người tới những điều nhân ái, tới vẻ đẹp hoàn mỹ sẽ luôn được khán giả nhiệt tình đón nhận. Một bằng chứng sống động là hai tác phẩm làm về đề tài người lính và LLVT vừa qua là bộ phim Đừng đốt và Mười ba bến nước đã đoạt ngôi vị cao nhất trong LHP.
Đất nước của chúng ta đã có quá nhiều mất mát trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, khai thác về mảng đề tài này không phải để khơi gợi nỗi đau, mà qua đó để thế hệ hôm nay trân trọng những hy sinh to lớn của cha anh họ, để thêm tin yêu vào cuộc sống hòa bình.
Vẫn là đề tài về chiến tranh và người lính, nhưng Mười ba bến nước và Những hy sinh thầm lặng của ĐAQĐND đã có cách tiếp cận hiện thực và được xử lý vấn đề mới mẻ, nhân văn, mang tính thời sự mà không “báo chí hóa” nên đã gây được hiệu quả nghệ thuật cao. Thành công của hai bộ phim cho thấy đề tài về chiến tranh và người lính luôn khơi nguồn cảm hứng và không bao giờ “cũ” đối với những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết.
- Cảm ơn ông và chúc những người lính điện ảnh luôn có những tác phẩm làm rung động khán giả.
Hà Giang