Theo Trung tướng Lê Đông Phong, qua công tác nắm địa bàn, công tác đấu tranh tội phạm ma túy, TPHCM là địa bàn tiêu thụ lớn về ma túy.
Từ trước đến nay, TPHCM đã quyết liệt để xử lý vấn đề nghiện ma túy, trong đó có việc bắt buộc cai nghiện tập trung mà trước đây thực hiện (được Quốc hội cho phép thí điểm trong một thời gian).
Điều này góp phần giảm được lượng cung ứng ma túy trên địa bàn trong giai đoạn đó và giải quyết được số lượng người nghiện. "Họ đã được cai nghiện tốt, được học nghề nên cắt cơn và chống tái nghiện. Do vậy, một giai đoạn, chúng ta đã khống chế được số lượng người nghiện khá lớn”, Trung tướng Lê Đông Phong nhận xét.
Song, TPHCM không được tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức cai nghiện tập trung, đồng thời thực tế phát sinh các loại ma túy mới. Nhiều nhất là ma túy đá. Một khi nghiện ma túy đá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, loạn thần và gây ra nhiều hậu quả khác. Ma túy chính là nguồn gốc phát sinh các loại tội phạm khác, khi dính vào ma túy thì tội phạm có thể chuyển hóa.
Giám đốc Công an TPHCM Lê Đông Phong cũng nhận xét, hiện nay TPHCM vẫn được xác định là địa bàn tiêu thụ ma túy lớn. Số lượng người nghiện thống kê được so với thực tế có những sai biệt. Do đó, chúng ta cần khảo sát, đánh giá, thống kê lại, từ đó có kiến nghị đề xuất giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với người nghiện, người liên quan đến ma túy cũng như các chất hướng thần khác.
TPHCM cũng là địa bàn sản xuất ma túy tổng hợp. Cách đây vài năm, một vụ sản xuất ma túy tổng hợp quy mô công nghiệp được phát hiện. Song, một vài vụ án cũng không giải quyết được vấn đề vì còn liên quan đến các tiền chất, dược liệu, dược phẩm gây nghiện. Đây là nguồn nguyên liệu có thể sản xuất ma túy tại chỗ, từ mức độ thô sơ đến sản xuất công nghiệp.
"Điều này đặt ra vấn đề quản lý những tiền chất có thể tổng hợp như thế nào”, người đứng đầu ngành công an TPHCM đặt vấn đề và nhận xét, thông qua các vụ án được phát hiện mới đây cho thấy TPHCM cũng là địa bàn trung chuyển ma túy.
Trước đây, khi phát hiện các băng nhóm trung chuyển thì quy mô cũng vừa phải, không lớn. Nhưng trong vòng 1 năm trở lại đây đã có diễn biến mới của tình hình khu vực, từ đường dây trung chuyển ma túy có chiều hướng chuyển từ Lào, qua địa bàn TPHCM. Điển hình, Công an TPHCM phối hợp với Bộ Công an phá một vụ án ma túy với số lượng lớn vào ngày 21-3; cùng đó Công an TPHCM trực tiếp phát hiện một vụ khác vào ngày 27-3.
"Đây là xu hướng mới cần cảnh giác. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra các vụ án trên cho thấy có vấn đề trách nhiệm về quản lý địa bàn, của các ban ngành chức năng và cả hệ thống chính trị”, Trung tướng Lê Đông Phong nhấn mạnh.
Liên quan vụ ma túy số lượng lớn ở quận Bình Tân, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết, đối tượng đăng ký hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trà và qua cảng biển. Một năm, doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu vài đợt hàng, với hàng hóa là trà thì họ "sống” kiểu nào? Đây cũng là câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính quyền cơ sở, trách nhiệm của công an.
Trung tướng Lê Đông Phong cũng cho rằng, cả hệ thống chính trị TPHCM phải nỗ lực hơn trong công tác quản lý để nắm lại chính xác số người nghiện. "Người nghiện nhiều thì tác động đến đầu cung. Rồi việc kiểm soát nguồn vận chuyển từ bên ngoài tập kết về TPHCM để đóng gói, xuất khẩu”, Trung tướng Lê Đông Phong phân tích và nhấn mạnh, điều này đặt ra trách nhiệm quản lý rất cụ thể.
Liên quan đến việc quản lý tiền chất thì đã được đề cập nhiều lần về trách nhiệm của các khâu từ nhập khẩu cho đến chế biến thành phẩm cuối cùng và khâu phân phối dược phẩm, dược liệu. Yêu cầu đặt ra là vẫn đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhưng phải ngăn chặn được sự lợi dụng quản lý lỏng lẻo.