Công tác giám định thật - giả các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã không như kỳ vọng. Phần lớn người yêu mỹ thuật đều cho rằng, công tác này là rất cần thiết, song còn nhiều điều khiến cung và cầu chưa thể tìm đến nhau.
Hoài nghi
Trên thế giới từ lâu đã phát triển hoạt động giám định tranh. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia công việc giám định và cấp giấy giám định chứng nhận để tác phẩm dễ dàng tham gia thị trường mỹ thuật. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất trên thế giới mà trung tâm thẩm định đặt dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Được thành lập gần một năm, song tới thời điểm này hoạt động của trung tâm gần như giậm chân tại chỗ. Lý giải về sự “ế” khách này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT-NA-TL) cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ do tâm lý e dè, thiếu tin tưởng của khách hàng.
Tại Việt Nam, với sự lớn mạnh của thị trường mỹ thuật, nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, bảo tàng, người chơi tranh, ảnh là có thật. Theo nhận định của nhà phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, khi vấn nạn vi phạm bản quyền đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì nhu cầu cần có đơn vị làm công tác trọng tài, giám định càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến hai bên không đến được với nhau chính là do thiếu niềm tin. “Làm thẩm định không phải chỉ là người sáng tác giỏi mà còn phải là người thường xuyên theo dõi thị trường, hiểu biết nhịp sống của mỹ thuật và nhiếp ảnh, là người nghiên cứu chuyên sâu về nó. Tóm lại, đó phải là nghề thực thụ”, ông Nguyễn Thành nói.
Dưới góc nhìn của khách hàng, nhà sưu tập tranh Lê Hải Phong cũng cho rằng, việc giám định thật - giả tác phẩm sẽ giúp chính tác phẩm đó có giá trị hơn rất nhiều và bản thân các nhà sưu tập cũng rất tự tin để khoe tác phẩm mình được sở hữu. Công việc mua bán nhờ thế cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhà sưu tập này cũng thừa nhận, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại như một... mớ bòng bong. Mọi người đang thiếu niềm tin vào giám định. Tuy nhiên, nhà sưu tập này khẳng định, để làm trong sạch thị trường mỹ thuật vẫn rất cần có đội ngũ giám định.
Gắn bó, tâm huyết với mỹ thuật, PGS-TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng đồng tình với nhận định thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Thành công của tranh Lê Phổ và một số nghệ sĩ Việt Nam trên thị trường nghệ thuật quốc tế không làm giảm bớt những lo lắng của người yêu nghệ thuật, bởi lẽ thật - giả cứ đan xen làm nảy sinh tâm lý hồ nghi. PGS-TS Bùi Thị Thanh Mai dẫn lại việc 17 bức tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra từ năm 2016, một chứng minh về nguồn gốc tác phẩm. Sự việc đã được hội đồng thẩm định bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật kết luận, nhưng về phía nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn không thừa nhận kết luận này với lý do: “Hội đồng chưa đưa ra được những lý lẽ thuyết phục”. Còn rất nhiều những vụ việc tranh cãi thật - giả khiến dư luận ồn ào nhưng rốt cuộc chìm xuồng bởi người trong cuộc không muốn hoặc không dám đưa tác phẩm đi thẩm định. Chính vì không dám đối đầu, không lôi sự việc ra ánh sáng, đã kéo lùi sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
Phải đi rồi sẽ thành đường
“Cái khó của việc thẩm định, giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh tại Việt Nam là công việc hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm, chưa có máy móc trang thiết bị kỹ thuật. Tất cả chỉ là con số 0”, ông Vi Kiến Thành thẳng thắn nhìn nhận. Chia sẻ tâm trạng này, đại diện của nhà đấu giá Chọn cũng cho rằng, mọi việc đều có sự khởi đầu. “Quan điểm “cứ đi rồi sẽ thành đường” đúng hơn bao giờ hết”, nhà đấu giá này nói.
Bà Dương Thu Hằng (Hanoi Studio Gallery) kể, một nhà sưu tập Hàn Quốc khẳng định, từ mấy chục năm trước có hai gallery rất lớn của Hàn Quốc đã mua gần như toàn bộ tranh của Bùi Xuân Phái. Tranh của danh họa này ở Việt Nam hiện nay khó có thể là tranh thật. Mỗi dịp tranh của các danh họa như Bùi Xuân Phái đấu giá ở các sàn quốc tế, dư luận lại xôn xao thật - giả, nhưng gần như không có ai dám đưa tranh ra thẩm định.
Bà Bùi Thị Thanh Mai chỉ rõ thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất trong nghệ thuật là giả mạo tác phẩm, hoặc bán tác phẩm nghệ thuật bằng cách gán nó cho một nghệ sĩ có tác phẩm được bán giá cao trên thị trường. Hàng loạt vụ việc như: thêm chữ ký của danh họa trên tranh, thay đổi bản thảo, sao chép, sử dụng trái phép tác phẩm của người khác, thế nhưng để có đủ chứng cứ có sức nặng khẳng định việc thật - giả quả không đơn giản. Các chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ thật giả tràn lan cũng do nhiều tác phẩm của họa sĩ ở Việt Nam không đủ tài liệu chứng minh là bản gốc. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mua phải tác phẩm giả mạo.
Theo kiến nghị của Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được các nhà sưu tập tâm đắc, đó là cần xây dựng hồ sơ nghệ sĩ, trong đó xác định xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật. “Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, các nghệ sĩ thường ít quan tâm đến cách làm thế nào để giúp đảm bảo giá trị các tác phẩm nghệ thuật của mình, để hạn chế tình trạng giả mạo tác phẩm. Việc xây dựng hồ sơ nghệ sĩ là rất cần thiết, góp phần bảo vệ được tài sản trí tuệ nghệ thuật cũng như hình ảnh của mình theo cách thức chuyên nghiệp mà các nghệ sĩ trên thế giới đã và đang thực hiện. Hồ sơ nghệ sĩ chính là kho lưu trữ tài sản trí tuệ của nghệ sĩ liên quan mật thiết đến lịch sử nghệ thuật, phê bình, giám tuyển và thẩm định nghệ thuật”, bà Bùi Thị Thanh Mai phân tích.
Với niềm tin “phải đi rồi sẽ thành đường”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, trước mắt Cục MT-NA-TL sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh cho đến khi có những tổ chức, đơn vị tư nhân cùng đồng hành trong lĩnh vực này.