Giảm diện tích trồng lúa, tăng chất lượng hạt gạo

Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đứng đầu các nước xuất khẩu, vượt qua Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Điển hình, giá xuất khẩu ngày 22-1, gạo 5% tấm: 523 USD/tấn, gạo 25% tấm: 498 USD/tấn, gạo 100% tấm: 438 USD/tấn. Năm 2020, giá gạo Việt Nam cũng nhiều lần chiếm vị trí cao nhất.

Để có thành tựu trên, nhiều năm qua, ngành lúa gạo đã đổi mới công nghệ sau thu hoạch, chế biến.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cả nước có hơn 550 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, chủ yếu tập trung ở ĐBSCL, chiếm 95%. Cùng với đó, áp dụng công nghệ sau thu hoạch như sử dụng máy gặt đập liên hợp, công nghệ chế biến gạo tiên tiến. Đặc biệt là công nghệ tách hạt và đánh bóng gạo, quy mô và công nghệ bảo quản tích trữ được nâng cao nên tổn thất sau thu hoạch đã giảm 11%-13%, còn dưới 10%.

Tổng sản lượng chế biến công nghiệp chiếm khoảng 55%-60% sản lượng chế biến; còn lại được chế biến tại các cơ sở nhỏ phục vụ tiêu thụ trong nước. Các vùng sinh thái nông nghiệp bị tác động, ảnh hưởng trầm trọng của biến đổi khí hậu như hạn, xâm nhập mặn... như khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Bình Thuận, Ninh Thuận, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh ven biển ĐBSCL đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay vì trồng lúa.

Giảm diện tích trồng lúa, tăng chất lượng hạt gạo ảnh 1 Thu hoạch lúa ở ĐBSCL 

Năm 2018, Bộ NN-PTNT đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu gạo trong nước và quốc tế. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã cấp mã số cho nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu gạo Việt Nam và chuyển hồ sơ đăng ký vào 20 quốc gia, vùng lãnh thổ được chỉ định: Australia, Brunei, Thụy Sĩ, Trung Quốc, EU, Indonesia, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Liechtenstein, Mexico, Na Uy, New Zealand, OAPI, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan và Mỹ.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2018, chi phí trung bình sản xuất lúa khoảng 18,05 triệu đồng/ha, người dân lãi trên 75% giá thành sản xuất. Nếu đáp ứng mục tiêu xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo, Việt Nam cần 3,3 triệu ha đất lúa năm 2030, so với hiện tại giảm 760.000ha đất lúa, nhưng vẫn đảm bảo lúa gạo cung cấp trong nước. Với mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, cần 3,56 triệu ha đất lúa năm 2030, có thể giảm 616.000ha đất lúa và vẫn đảm bảo tiêu dùng trong nước. Diện tích đất lúa không hiệu quả sẽ chuyển sang hoạt động nông nghiệp có thu nhập cao hơn. 

Quy hoạch sử dụng đất lúa đã được phê duyệt, tuy nhiên thực thi quy hoạch chưa nghiêm, chưa triệt để, chuyển đổi đất lúa vùng khó khăn còn chậm, diện tích chuyển sang cây ăn quả, cây trồng hiệu quả hơn lúa chưa nhiều.

Theo Cục Trồng trọt, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, cục sẽ bảo đảm tiêu chí về giá trị, chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân, thay các tiêu chí về số lượng. Đặc biệt, các doanh nghiệp chủ động bản quyền về giống, sản xuất hoặc liên kết sản xuất giống cho vùng nguyên liệu, chỉ đạo kỹ thuật sản xuất, giám sát kỹ thuật, thu mua, sấy và chế biến...

Toàn bộ quá trình sản xuất phải được ứng dụng KH-CN, cơ giới hóa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện giao thông liên vùng, hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước ngọt chủ động ứng phó với hạn mặn, kho dự trữ nhằm giảm tổn thất bảo quản và giá thành khâu logistics.

Tin cùng chuyên mục