Chỉ riêng lĩnh vực bảo vệ môi trường, mỗi năm các doanh nghiệp phải tiếp cả chục đoàn kiểm tra từ thanh tra bộ tới thanh tra sở, ban quản lý khu công nghiệp, cảnh sát môi trường, phòng môi trường địa phương... với cùng nội dung thanh tra xoay quanh vấn đề nước thải, khí thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy... Việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều gây nên nỗi ám ảnh với doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dư Huy Quang, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhìn nhận công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại những bất cập nhất định. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự chồng chéo, trùng lắp nội dung thanh tra giữa các đơn vị thanh tra. Để hạn chế tình trạng này và không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định 297/QĐ- TT điều chỉnh một số phạm vi trong hoạt động thanh tra hiện nay. Theo đó, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải được thực hiện dựa trên chương trình, kế hoạch đã được duyệt hoặc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của ban giám đốc. Quá trình kiểm tra phải thực hiện đúng pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, không gây phiền hà tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng được kiểm tra. Hoạt động thanh kiểm tra phải đảm bảo tính kịp thời, thường xuyên, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra dàn trải, kéo dài nhiều ngày. Ngoài ra, khi một cơ quan thanh tra, kiểm tra đã có kết luận phải gửi cho các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để cơ quan, đơn vị đó biết được nội dung đã thanh tra, kiểm tra.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường trong việc phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm. Mặc dù vậy, cũng phải nhìn thực tế là công tác thanh tra về môi trường còn nhiều chồng chéo và thiếu sự thống nhất. Quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP là hạn chế số lần thanh kiểm tra doanh nghiệp nhưng cũng không để doanh nghiệp lơ là trong công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đạo, các phòng ban, quận huyện khi tiến hành thanh kiểm tra doanh nghiệp phải lên kế hoạch đầy đủ. Các đơn vị được phân công kiểm tra phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, nội dung cụ thể và dự thảo thông báo kiểm tra trình giám đốc sở phê duyệt; lịch kiểm tra phải được thông báo cho cơ sở được kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra theo chế độ không báo trước. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị thanh tra khác để tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo khi đi kiểm tra hoạt động tại các cơ sở. Đặc biệt, cần khắc phục ngay tình trạng một số đơn vị lợi dụng chức năng quyền hạn được giao thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết, thậm chí có tình trạng tiêu cực, nhũng nhiều doanh nghiệp; từ đó gây phản cảm cho xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.