Ngân sách thất thu lớn
Theo ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (quận 7, TPHCM), mức thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường hiện nay chỉ 5.000 đồng/xe/lượt đã quá lạc hậu. “1m² đất trên đường Lê Lợi (quận 1) giá trị từ 100 - 200 triệu đồng. Một vị trí đậu ô tô trên đường Lê Lợi có diện tích khoảng 9m² có giá từ 1 - 2 tỷ đồng mà nhà nước chỉ thu 5.000 đồng cho một lượt đỗ xe từ sáng tới chiều là quá bất hợp lý”, ông Quân phân tích.
Ông Quân cho rằng, mức thu phí đỗ ô tô như trên là quá thấp, chẳng khác nào khuyến khích ô tô tràn ra lòng đường.
“Vào các cao ốc, một chiếc xe máy tay ga phải trả 10.000 đồng/lượt song ô tô con đậu ở lòng đường chỉ trả 5.000 đồng. Vì vậy, nhiều người chiếm dụng cả ngày, làm người có nhu cầu không tìm được chỗ đậu xe nên phải chạy đi lòng vòng khiến lượng xe lưu thông trên đường tăng. Mức thu thấp còn làm thất thu lớn cho ngân sách do sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Ngoài ra, mức thu ngoài đường thấp thì chủ các cao ốc có xu hướng đầu tư bãi đậu xe với diện tích tối thiểu, đủ đáp ứng cho khách hàng của mình và “đẩy” khách vãng lai ra đường. Cạnh đó, các nhà đầu tư bãi đậu xe ngầm cũng không thiết tha thực hiện các dự án”, ông Quân nói.
Ông Quân đề nghị giảm các điểm đỗ xe dưới lòng đường và tăng giá đỗ ô tô lên nhiều lần, đồng thời thu theo giờ, nhất là khu vực trung tâm: “Tăng phí không phải nhằm thu thêm tiền mà để điều tiết giao thông, khuyến khích tư nhân đầu tư tăng diện tích các bãi đậu xe công cộng”.
Ứng dụng công nghệ để thu phí
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cũng cùng chung nhận định, mức thu 5.000 đồng/xe/lượt áp dụng từ năm 2005 đến nay quá thấp. Để giải quyết bất cập này, Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM nghiên cứu, trình HĐND TPHCM điều chỉnh tăng mức phí đậu ô tô dưới lòng đường cho phù hợp.
Cụ thể, Sở GTVT đề xuất phí đậu ô tô từ 10 chỗ trở xuống ở lòng đường của khu vực 1 (các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận) có mức dự kiến tối đa là 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm. Đối với khu vực còn lại (các quận, huyện còn lại) thì mức đề xuất là 15.000 đồng/xe/lượt ngày và 30.000 đồng/xe/lượt ban đêm.
Mức phí đề xuất thu đối với ô tô trên 10 chỗ đậu ở lòng đường của khu vực 1 là 25.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 50.000 đồng/xe/lượt ban đêm và thu 20.000 đồng/xe/lượt ban ngày và 40.000 đồng/xe/lượt ban đêm đối với khu vực còn lại. “Hiện nay, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành và tổ chức thu phí đỗ ô tô theo giờ ở khu vực trung tâm”, ông Bùi Xuân Cường nói thêm.
Được biết, ở các nước, mức thu phí đỗ xe ở ngoài đường bao giờ cũng cao hơn trong các bãi đậu xe vì ở ngoài đường chỉ là đỗ tạm. Mức thu tính dựa trên giá đất nên sẽ giảm dần từ trung tâm ra ngoại thành. Vì vậy, TPHCM cần tính toán mức thu phí tùy theo địa điểm, thời gian đậu xe và mức phí giảm dần từ trung tâm ra ngoại ô. Trong việc thu phí nên ứng dụng khoa học công nghệ để tăng tính hiệu quả, giúp nhân công và tạo thuận lợi cho người dân.
Hiện có 3 cách thu phí tự động, gồm thông qua việc bán vé tự động (máy như các trụ ATM, trả bằng tiền xu). Cách thứ hai, thông qua các thiết bị đặt ở đường. Cách thứ ba, cũng là xu hướng hiện nay, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, để người dân tự giác đóng phí thì phải có quy định chế tài. Theo đó, người đậu xe mà không nộp tiền thì bị chụp ảnh, phạt nguội.
Thu hẹp nơi đỗ xe dưới lòng đường
Theo Quyết định 699/2013 của UBND TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có 117 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí và 42 tuyến đường, tập trung ở quận 1 (18 tuyến), quận 3 (7 tuyến) và quận 5 (8 tuyến), quận 10 (6 tuyến, cả vỉa hè) được phép tổ chức đỗ xe dưới lòng đường có thu phí.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT TPHCM, hiện Sở GTVT đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình UBND TP điều chỉnh Quyết định 74/2008 của UBND TP về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Một trong những điểm chính của dự thảo lần này là quy định điều kiện khung về bề rộng của lòng đường, vỉa hè khi sử dụng cho mục đích giữ xe gắn máy (trên vỉa hè), đỗ ô tô (dưới lòng đường). Đối chiếu với điều kiện trong dự thảo sửa đổi Quyết định 74/2008 với thực tế thì số lượng các tuyến đường đủ điều kiện để tổ chức đỗ xe dưới lòng đường có thu phí sẽ giảm nhiều so với hiện nay.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT TPHCM, hiện Sở GTVT đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình UBND TP điều chỉnh Quyết định 74/2008 của UBND TP về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Một trong những điểm chính của dự thảo lần này là quy định điều kiện khung về bề rộng của lòng đường, vỉa hè khi sử dụng cho mục đích giữ xe gắn máy (trên vỉa hè), đỗ ô tô (dưới lòng đường). Đối chiếu với điều kiện trong dự thảo sửa đổi Quyết định 74/2008 với thực tế thì số lượng các tuyến đường đủ điều kiện để tổ chức đỗ xe dưới lòng đường có thu phí sẽ giảm nhiều so với hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, trước đây do chưa có điều kiện nên TPHCM cho phép ô tô đậu (có thu phí) ở lòng đường của một số địa phương. Tuy nhiên gần đây, nhiều bãi xe đã được đầu tư nên phải xem lại theo hướng giảm số lượng các tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường và thu phí.