Theo Cục Thủy sản, ngành tôm Việt Nam xuất khẩu tới khoảng 100 nước, với những thị trường lớn (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu). Tôm Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về giá trị xuất khẩu khi chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Trung bình mỗi năm ở nước ta, tôm đóng góp khoảng 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 4 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành tôm có hơn 650.000ha diện tích nuôi thả, tăng 6,4% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 467.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Để ngành tôm xuất khẩu đạt hơn 4,3 tỷ USD trong năm 2023, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đề nghị nông dân không nên thu hoạch ồ ạt và liên kết với doanh nghiệp để giảm chi phí trung gian, thức ăn, vật tư đầu vào. Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tôm tồn kho trên thế giới đang giảm. Tận dụng thời cơ này, tôm Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu. Thương vụ Việt Nam tại các nước cần tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh tôm Việt Nam.
mCùng ngày, tại Bạc Liêu, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm.
Bạc Liêu đang tập trung triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để sớm đưa tỉnh thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, 25 công ty và trên 800 hộ dân tham gia, với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương đang xin chủ trương triển khai Dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, lấy nước ngọt từ kênh Phụng Hiệp để pha loãng nuôi tôm. Bởi thời tiết quá nóng, tôm không lớn; nước mặn quá, tôm dễ bệnh.
Phát biểu chỉ đạo trực tuyến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, muốn ngành tôm phát triển bền vững, trước tiên, phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Khi người dân đồng tình, ủng hộ và phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, ngành tôm mới phát triển bền vững và gắn với việc bảo vệ môi trường.
Các địa phương cần nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) để có thể hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng nhau phát triển.