Giá hàng hóa chưa giảm ngay
Chiều 11-7, thông tin từ đại diện một số cửa hàng ăn uống, chợ truyền thống tại TPHCM cho hay, mặc dù giá xăng giảm nhưng giá bán nhiều mặt hàng chưa giảm ngay, nhanh lắm cũng mất 1-2 ngày, mới giảm được.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống, chợ tự phát ở quận 3, quận 1, quận 12, hơn một tuần nay các loại rau về chợ không nhiều, hàng lại kém đa dạng, giá tăng.
Trong đó, nhóm rau ăn lá như rau thơm, cải các loại tăng từ 30%-40% so với bình thường. Một số quán ăn bình dân (quận 1, quận 3, quận 10) liên tục tăng giá bán ở thời điểm xăng tăng giá, nhưng khi giá xăng giảm mạnh, giá bán vẫn giữ nguyên. Đơn cử, một cửa hàng nhỏ bún bò Huế trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) vẫn giữ giá 50.000 đồng/tô bún từ vài tuần nay.
“Tôi chưa thể giảm giá vì người bán rau muống bào, giá, rau thơm các loại đều tăng giá”, chủ cửa hàng bún bò Huế cho hay.
Thông tin từ một số siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market… cho biết nhiều mặt hàng đang khuyến mãi, giảm giá đậm cho khách hàng. Phần lớn các mặt hàng bán tại siêu thị đều được doanh nghiệp lên kế hoạch cung cấp sớm với bạn hàng từ vài tháng hoặc cả năm trước, với giá bán ổn định, thậm chí ngay cả khi giá xăng tăng liên tục thì giá bán vẫn giữ nguyên. Do vậy, việc điều chỉnh, cần có lộ trình và độ trễ nhất định.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, việc giảm mạnh giá bán lẻ xăng dầu có thể sẽ phần nào giúp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, hạ nhiệt đà tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, các hoạt động sản xuất - kinh doanh có chi phí đầu vào trực tiếp từ nhiên liệu xăng dầu, nhất là hoạt động giao thông vận tải, hàng không, khai thác hải sản, nông nghiệp và du lịch.
Mặc dù vậy, theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Nếu những ngày tới, giá xăng dầu thế giới tăng trở lại thì kỳ điều hành sắp tới, giá xăng dầu vẫn có thể phải điều chỉnh tăng. Thời điểm này, liên bộ Công thương - Tài chính đang cho doanh nghiệp “tranh thủ” trích lập Quỹ Bình ổn giá để tạo dư địa cho thời gian tới, bởi dự báo tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất ổn, tác động trực tiếp tới thị trường xăng dầu thế giới.
Áp lực lớn với doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế và thị trường Vũ Vinh Phú, thông thường chi phí xăng dầu chiếm đến 35%-40% tổng chi phí vận chuyển. Do những tháng qua, giá xăng dầu tăng quá cao đã buộc nhiều hãng vận tải phải tăng giá cước và một số doanh nghiệp vận tải khác cũng rục rịch tăng. Giá xăng dầu giảm như hiện nay chỉ giúp các doanh nghiệp vận tải, logistics lùi lại kế hoạch tăng giá cước để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ khó quay lại mặt bằng giá cũ vì đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết, giá nhiên liệu tăng thời gian qua đang gây áp lực lớn chưa từng có đối với các doanh nghiệp vận tải. Nhiều tài xế đã và đang xin nghỉ việc vì chi phí tăng, thu nhập giảm sút. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho lái xe. Song, nếu làm như vậy thì doanh nghiệp không trụ nổi sau khi đã “bầm giập” vì dịch Covid-19. Hiệp hội Taxi Hà Nội đang tính toán lộ trình cơ cấu giá cước cho phù hợp với thực tế, có thể tăng 1.000-1.500 đồng/km.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, nếu để đến tháng 10 mới giảm thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, các loại phí thì tác động và hậu quả để lại cho nền kinh tế rất trầm trọng. Mức giá xăng dầu như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết, giá nhiên liệu bay vẫn tăng phi mã. Chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí vận tải hàng không. Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về các giải pháp giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. Đại diện Bộ GTVT cho biết việc xem xét giảm các loại thuế phí phải thực hiện càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Kể từ 0 giờ ngày 11-7, giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường nội địa đã đồng loạt giảm với mức giảm cao nhất là hơn 3.100 đồng/lít - mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm xuống còn 27.788 đồng/lít (giảm 3.103 đồng/lít); xăng RON95-III còn 29.675 đồng/lít (giảm 3.088 đồng/lít); dầu diesel còn 26.593 đồng/lít (giảm 3.022 đồng/lít); dầu hỏa còn 26.345 đồng/lít (giảm 2.008 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S còn 17.712 đồng/kg (giảm 2.010 đồng/kg). |