Giảm bộ máy trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả, hiệu lực
SGGP
Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”
Góp ý vào dự án luật, đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc phân cấp cho Chính phủ quy định bộ máy cấp dưới là cần thiết, song không phải chỉ quy định khung số lượng, còn các địa phương tùy ý xác định có cơ quan nào nằm trong bộ máy của UBND cấp tỉnh, huyện. Làm như thế thì mỗi nơi mỗi khác, các vùng trong cùng một địa phương cũng có sự khác nhau, sẽ rất khó khăn, phức tạp trong quản lý ngành dọc.
“Sự khác nhau có chăng chỉ là một chút do điều kiện đặc thù, vùng miền, đô thị, nông thôn. Sự khác nhau này cũng phải được Chính phủ quy định rõ ràng, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi cách như vừa qua thí điểm nhập các cơ quan, tổ chức chính trị ở một số địa phương, sau đó Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng, chờ hướng dẫn” - ĐB Trần Văn Lâm nói.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, theo hiến định, quyền quyết định tổ chức bộ máy là một trong những quyền thuộc chức năng thứ ba của Quốc hội, đó là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tổ chức bộ máy nhà nước do Quốc hội quyết định không có nghĩa là Quốc hội quyết định tất cả số lượng ĐB của HĐND, số lượng UBND, thường trực HĐND, mà Quốc hội quyết định các cơ quan rường cột nhất của bộ máy nhà nước.
“Trong quy định của luật không nên đi ngược với Hiến pháp, mà nên quy định phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ trên 3 tiêu chí: phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng đại biểu HĐND, quyết định số lượng các ban HĐND, quyết định số phó chủ tịch HĐND hay thường trực HĐND tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ. Với UBND, Chính phủ có quyền quyết định số lượng thành viên của UBND, quyết định số lượng các cơ quan của UBND. Như vậy, sẽ linh hoạt, phù hợp với yêu cầu đặt ra từng thời kỳ trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng. Không nên quy định cứng nhắc trong luật để sau này có vấn đề thực tiễn đặt ra lại phải sửa luật” - ĐB Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Đề xuất có 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh
Chính phủ trình giảm số lượng phó chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước. Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội 2 phương án: Phương án thứ nhất đề nghị giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Phương án thứ hai đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Chính phủ thống nhất với phương án thứ nhất.
Thảo luận về điều này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cấp huyện giảm còn 1 phó chủ tịch là hợp lý nhưng nên giữ nguyên phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như hiện nay thì công việc của HĐND sẽ đảm bảo. Như vậy, cả nước sẽ giảm được hơn 700 biên chế chuyên trách HĐND cấp huyện. Riêng cấp tỉnh phải có 2 phó chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả. ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng thống nhất phương án có 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh.
“Theo phương án của Chính phủ, giảm cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TPHCM là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao. Bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng phải bảo đảm hiệu quả hoạt động, nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên”, ĐB Tôn Ngọc Hạnh nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đặt vấn đề: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, có vị trí rất quan trọng, là cơ quan đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề cơ bản, quan trọng cho sự phát triển của địa phương, giám sát và đưa quy định luật vào cuộc sống. Vậy thì tổ chức ra một HĐND thế nào ở các cấp cho phù hợp, chứ không phải nhắm vào mục tiêu là phải giảm biên chế. Đó là điều mà Chính phủ, Quốc hội cần suy nghĩ thêm. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, sửa luật lần này chỉ tập trung vào 2 vấn đề lớn: phân cấp ủy quyền và tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, việc phân cấp này vẫn chỉ là nguyên tắc, ít vấn đề cụ thể. Còn giảm bộ máy, phải trên nguyên tắc là hiệu quả, hiệu lực của tổ chức bộ máy đó để tính toán, chứ không phải chỉ vấn đề kinh phí, cũng không phải giảm một cách máy móc về biên chế. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này.
“Tổ chức một bộ máy như thế nào để tương xứng với vị trí, quyền hạn, thẩm quyền nhiệm vụ được giao, cả 2 điều đó đều do Quốc hội quyết định. Quốc hội giao nhiệm vụ, quyền hạn và Quốc hội tổ chức bộ máy đó như thế nào cho tương thích. Quốc hội cần xem xét vấn đề này trên tinh thần khách quan, đừng vì một yếu tố nào đó mà đánh mất vai trò của cơ quan dân cử”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn nói.
Sáng 10-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020).