Quá tải đơn hàng tại các siêu thị
Kể từ khi siết chặt giãn cách, TPHCM đã chỉ đạo 22 quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân qua phương thức “đi chợ giúp”. Tuy nhiên nhiều người dân cho biết vẫn không liên lạc được với người “đi chợ giúp” hoặc vẫn chưa nhận được hàng mua hộ dù đơn đã đặt 3-5 ngày; một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì thông báo quá tải...
Chị Đỗ Thị Giang, ngụ ở chung cư Hoàng Kim Thế Gia (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, người dân trong chung cư của chị hiện đang rất cần mua thực phẩm, bởi cả chung cư có một siêu thị mini nhưng vì dịch bệnh cũng đã đóng cửa.
“Chúng tôi đặt hàng “đi chợ giúp” trên trang Zalo của khu phố 4 ngày vẫn chưa có hồi âm. Vì không có thực phẩm nên tôi đã tìm cách đặt hàng qua siêu thị do khu phố cung cấp nhưng siêu thị lại thông báo tạm ngưng nhận đơn hàng. Đã hơn một tuần nay, gia đình tôi và nhiều hộ dân ở chung cư này chưa mua được thực phẩm thiết yếu”, chị Giang bức xúc nói.
Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Aeon, Bách Hóa Xanh… cho thấy, từ khi TPHCM thực hiện siết chặt giãn cách, lượng đơn hàng trực tuyến và đơn hàng theo combo tăng cao. Tuy vậy do việc cấp giấy đi đường cho nhân viên siêu thị còn hạn chế, lộ trình có quá nhiều chốt kiểm soát khiến cho tiến độ giao hàng không được đảm bảo và đơn hàng dồn mỗi lúc một nhiều.
Có hệ thống bán lẻ nhận được tới 40.000 đơn/ngày nhưng chỉ giao được 2.000 đơn do không có nhân lực vận chuyển. Đơn cử hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cho biết, trong những ngày gần đây lượng đơn hàng theo combo và đơn hàng online của khách gọi tới các siêu thị tăng mạnh nhưng do lượng nhân viên đi làm chỉ khoảng 10% nên không đáp ứng kịp yêu cầu của khách hàng.
Nhà bán lẻ này dự đoán, số lượng đơn hàng cả trực tiếp theo hình thức đi chợ giúp lẫn trực tuyến sẽ tăng cao trong những ngày tới, nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực hiện tại của siêu thị thì tình trạng quá tải sẽ ngày càng trầm trọng. Thậm chí, gần đây do quá tải đơn hàng, lượng hàng ùn ứ nhiều dẫn tới hàng hóa bị hư hỏng nên một số siêu thị phải tạm ngưng, hoặc giảm nhập hàng để chờ phương án mới.
Trong bối cảnh đó, đại diện Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này đề xuất thành phố cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên làm việc trực tiếp và nhân viên giao hàng tại các siêu thị, cửa hàng để có thể đẩy nhanh tiến độ cung ứng hàng cho người dân. Ngoài ra, các tổ dân phố, phường xã cần vận động người dân mua chung qua một đầu mối để khâu giao hàng được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ mong muốn được chính quyền tạo luồng xanh cho hàng hóa lưu thông từ vùng trồng, vùng sản xuất tới siêu thị thuận lợi. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng để đội ngũ giao hàng thiết yếu được hoạt động, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân, góp phần giảm tải áp lực cho lực lượng quân đội, chính quyền địa phương...
Gấp rút gỡ khó
“Thực hiện “đi chợ giúp” là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ và các đơn vị cũng không có kinh nghiệm triển khai nên chắc chắn có khó khăn. Chúng tôi đã tham mưu thành phố đề ra giải pháp khắc phục như: Tận dụng các ứng dụng vận chuyển của công ty công nghệ, công ty thương mại điện tử do họ có chuyên môn nền tảng để khai thác tốt. Chẳng hạn Grab có ứng dụng được nhiều người dân sử dụng và hiện TP Thủ Đức đang thử nghiệm đã phối hợp với Grab để người dân trên địa bàn có thể đặt đơn hàng đi chợ giúp thông qua ứng dụng. Không chỉ Grab, chúng tôi cũng nhận được đăng ký sẵn sàng hỗ trợ từ Tiki và các đơn vị vận chuyển khác”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TPHCM cho phép shipper tham gia vận chuyển hàng trong thời gian thành phố siết chặt giãn cách. Sở Công Thương dự báo có thể huy động được 25.000 shipper tham gia hoạt động này.
Đáng chú ý, Sở Công thương đề xuất cho phép shipper được hoạt động liên quận và giải pháp kiểm tra shipper là tra cứu trực tuyến thông tin shipper cùng giấy xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo Sở Công Thương, trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận từ 20-25 đơn hàng mỗi ngày và nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm cho 500.000- 625.000 hộ gia đình.
Liên quan đề xuất này, chiều 29-8, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã thống nhất cho phép shipper được phép hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện “vùng đỏ”, nhưng phải xét nghiệm hàng ngày. Thời gian xét nghiệm 1 tuần từ 30-8 đến 6-9, sau đó sẽ xem xét để điều chỉnh tiếp. Với 14 quận huyện còn lại thì cũng bảo đảm tiêm vắc xin và xét nghiệm mẫu gộp 3, tần suất 2 ngày/lần.