* Nhiều năm trở lại đây, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Tuy nhiên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy, thứ tự xếp hạng của TPHCM giảm 9 bậc so với năm 2023, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành trên cả nước. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của TPHCM đứng thứ 20 trên cả nước là điều không quá bất ngờ. Thứ nhất, đề thi tốt nghiệp THPT được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 (chương trình trước khi thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục) và dành cho đối tượng học sinh trên cả nước.
Không chỉ năm nay mà nhiều năm trở lại đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT của TPHCM không nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trong khi đó, những năm gần đây, TPHCM đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của các em.
Thứ hai, một tỷ lệ lớn học sinh của TPHCM đã trúng tuyển đại học theo các phương thức xét tuyển sớm hoặc xác định trước tổ hợp xét tuyển đại học nên các em tham gia các môn thi tốt nghiệp một cách có trọng tâm chứ không đầu tư đồng đều.
Nói cách khác, học sinh chỉ dồn sức cho những môn sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, các môn còn lại chỉ cần kết quả đậu tốt nghiệp nên không cần điểm thi quá cao. Do đó, mặc dù kết quả thi tốt nghiệp THPT không cao nhưng nếu xét theo nhóm môn xét tuyển đại học thì TPHCM có 4 khối thi đứng đầu cả nước là khối A (Toán - Vật lý - Hóa học), khối A1 (Toán - Vật lý - Ngoại ngữ), khối B (Toán - Hóa học - Sinh học) và khối C (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý).
* Trong số 9 môn thi tốt nghiệp THPT, môn tiếng Anh là môn thi TPHCM có điểm trung bình cao nhất cả nước. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Đây là năm thứ 8 liên tiếp, TPHCM giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Tuy nhiên, kết quả này không quá bất ngờ bởi phản ảnh được sự đầu tư, quá trình triển khai dạy học môn tiếng Anh của thành phố trong hơn 20 năm qua. Cụ thể, từ năm học 1998-1999, TPHCM đã triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường từ lớp 1.
Sau đó, Đề án "Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và Việt Nam" theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND (ban hành ngày 20-11-2014) của UBND TPHCM" (gọi tắt là chương trình tiếng Anh tích hợp) là một trong những đòn bẩy giúp nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh trong các trường phổ thông.
Ngoài ra, những điều kiện nói trên đã cộng hưởng với sự đầu tư của cha mẹ học sinh, quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học của cán bộ, giáo viên trong các trường học.
Tuy nhiên, tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong những kênh đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh thành phố bởi năng lực và phẩm chất của học sinh còn được đánh giá qua nhiều kênh thông tin khác như kỹ năng giao tiếp, chứng chỉ ngoại ngữ, tỷ lệ học sinh du học…
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều đổi mới từ quy định số môn thi, cách thức ra đề... TPHCM sẽ có những chuẩn bị gì cho học sinh để đáp ứng yêu cầu mới?
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dành cho đối tượng học sinh theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó hướng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nếu đề thi đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh thì phù hợp với mục tiêu TPHCM đã và đang kiên trì thực hiện từ nhiều năm nay.
Trước đó, với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, thành phố đã kiên trì mục tiêu đổi mới cách thức ra đề theo hướng tăng cường vận dụng thực tiễn, phát huy năng lực tư duy và sáng tạo của học sinh.
Hàng năm, sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT TPHCM đều yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trường học rà soát phổ điểm thi ở từng môn, khu vực trường học để có điều chỉnh phương pháp dạy học, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, kéo gần khoảng cách giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Liên quan sự cố cán bộ coi thi ký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) làm ảnh hưởng thời gian làm bài của thí sinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, hội đồng chấm thi đã rà soát kết quả làm bài thi môn Ngữ văn của tất cả thí sinh ở phòng thi xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy điểm thi của tất cả thí sinh bình thường. Sở GD-ĐT TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ GD-ĐT đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các bộ phận liên quan, tập trung đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ tham gia kỳ thi vào các năm sau.