Bộ GD-ĐT cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, sau khi sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã giảm 2.302 trường và 2.708 điểm trường; quy mô trường, lớp tăng ở các bậc học; hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên đã giảm số lượng từ 3 trung tâm/huyện xuống còn 1 trung tâm; mạng lưới trường lớp vùng dân tộc thiểu số được củng cố, phát triển; về cơ bản không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Nhờ đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy vậy, theo phản ánh của các địa phương, quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn như việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh/lớp, gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học và quản lý học sinh; việc sắp xếp, sáp nhập tại trường miền núi còn khó khăn do điều kiện tự nhiên; cơ sở vật chất nhiều trường còn thiếu thốn, phát sinh nhu cầu đầu tư, xây dựng…
Kết luận vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, công tác tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục là vấn đề hệ trọng của ngành giáo dục. Yêu cầu, mục tiêu việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục phải đảm bảo 3 điều kiện: phù hợp nhu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, cần rà soát kỹ hơn việc sắp xếp, dồn, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục trong 3 năm qua; từ kết quả rà soát, đánh giá đó, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị chính sách về vấn đề này.
“Mỗi địa phương khi quyết định thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục cũng như trong các vấn đề về giáo dục cần phải trả lời được câu hỏi làm như vậy có tốt hơn không”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là triển khai sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục thì mục tiêu là duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, không áp dụng rập khuôn, máy móc với mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng về kiên cố hóa trường lớp, cần thực hiện có trọng tâm trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, những gì làm được thì làm ngay, trong đó ưu tiên “số một” cho kiên cố hóa trường lớp ở bậc mầm non.
* Ngày 24-4, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số” với sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục, các trường đại học.
Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp… Để có thể làm chủ cuộc cách mạng số, người học ngày càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại, cập nhật, nếu không sẽ bị lạc hậu và tụt lại trong cuộc cách mạng thông tin này.