Trong số nội dung sửa đổi, đáng chú ý, Chính phủ trình sửa đổi quy định “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ.
Dự thảo luật cũng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong đó có phân bón.
Thảo luận tại tổ chiều 17-6, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đều tán thành việc sửa luật, tuy nhiên cũng còn một số băn khoăn.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sửa Luật Thuế GTGT một cách toàn diện là cần thiết, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn về quy định “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. “Những giao dịch nhỏ lẻ dưới 1 triệu đồng qua các sàn giao dịch điện tử rất lớn. Con tôi ngày mua cả chục món đồ, cả nước thì lớn thế nào? Tích tiểu thành đại, do đó nên cân nhắc về thuế với đối tượng này. Vì giá trị từng đơn hàng thì thấp nhưng giao dịch vô cùng lớn”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về việc đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế GTGT, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phân bón đã từng là đối tượng chịu thuế GTGT, sau đó lại bỏ ra nhằm giảm giá thành phân bón, mang lợi cho nông dân. “Nhưng về tổng thể, phân bón không chịu thuế GTGT là không có lợi. Vì Việt Nam cơ bản chủ động được nguồn cung các loại phân bón, đã đáp ứng nhu cầu trong nước. Phân bón không chịu thuế GTGT nhưng nhà sản xuất phải chịu thuế đối với nguyên liệu đầu vào. Do đó, nếu không được khấu trừ thuế GTGT sẽ khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp phân bón khó khăn”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng cho biết và ủng hộ nên để phân bón là hàng hóa chịu thuế GTGT để tăng nguồn thu từ khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, chúng ta đứng trước hai lựa chọn. Nếu không đưa vào chịu thuế GTGT thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn vì họ không được hoàn thuế đầu vào. Nhưng nếu đánh thuế với mặt hàng này thì sẽ tác động đến giá thành dù nhiều dù ít. Do đó, Bộ trưởng đề nghị ĐB nghiên cứu để thống nhất việc quyết định để bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo đảm lợi ích nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Về việc bỏ áp thuế GTGT với hàng hóa có giá trị nhỏ, Bộ trưởng cho biết, trước đây, khi thực hiện Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (ngày 17-5-1973) mà Việt Nam ký kết, chúng ta quy định giá trị nhỏ tối thiểu thì không thu thuế hải quan và thuế khác. Luật quy định giá trị nhỏ tối thiểu, thì không thu thuế hải quan và thuế khác. Luật không quy định, nhưng nghị định Chính phủ thì quy định thu thuế này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một số quốc gia hiện nay đã bỏ quy định thu thuế GTGT với các hàng hóa có giá trị nhỏ.
Bộ trưởng cũng giải trình về quy định những hành vi cấm đối với cán bộ thuế và của doanh nghiệp.
Trong luật thuế hiện hành đã quy định về hóa đơn, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định hóa đơn là quy định chung chung, hoàn thuế GTGT là một loại thuế lớn, có những đặc thù riêng, nên cần có những quy định cụ thể về hệ thống hóa đơn chứng từ cụ thể. Do đó, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào luật.
Theo đó, trách nhiệm của người nộp thuế, hay cán bộ thuế, doanh nghiệp phải rạch ròi, theo nguyên tắc là ai làm sai thì người đó chịu, không thể doanh nghiệp làm sai nhưng cán bộ thuế phải chịu, và ngược lại. Dựa trên hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp đưa hóa đơn giả, cơ quan thuế không thể lần ra nguồn gốc từng hóa đơn trong thời gian ngắn theo quy định hoàn trước kiểm sau. Do đó, phải có quy định rõ về lĩnh vực này để bảo đảm hạn chế các sai phạm, bảo đảm thu thuế cho Nhà nước.
Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian qua, tình trạng gian lận về hóa đơn thuế, gian lận hoàn thuế mà công an đã khởi tố nhiều vụ, Chính phủ muốn làm rạch ròi, để ai sai phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ hoàn thuế mà sai thì phải chịu; còn nếu doanh nghiệp giả mạo hồ sơ hoàn thuế thì chịu trách nhiệm; tránh tình trạng người này đổ lỗi cho người kia.
Bộ trưởng mong muốn các ĐB ủng hộ để ban hành luật có độ dài về thời gian, ổn định.
Về quy định thu thuế GTGT đối với với hàng hóa dưới 100 triệu đồng, nếu quy định con số cụ thể thì mấy năm nữa lại lạc hậu, do đó, dự thảo đề xuất giao Chính phủ quy định, khi có biến động thì Chính phủ sẽ quy định. “Giao Chính phủ chứ không phải giao Thủ tướng, nên không ngại việc quyết định về thuế không đúng. Đây là việc phân quyền để công tác thu thuế phù hợp. Khi đồng tiền mất giá, khi quy định không còn phù hợp mà chưa kịp sửa luật, thì Chính phủ sẽ quyết định", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, thuế là công cụ điều tiết, các nước phát triển họ sử dụng thuế rất linh hoạt. Nhiều nước giao Bộ trưởng Bộ Tài chính được quyền áp thuế. Ví dụ có những trường hợp hàng hóa nhập khẩu gây ảnh hưởng nền sản xuất trong nước thì họ áp thuế ngay, chỉ trong 1 đêm. Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể quyết định nâng thuế lên ngay để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, nếu tăng cường phân cấp, ủy quyền và tăng cường công tác giám sát thì công cụ điều tiết sẽ linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.