Tăng trưởng
“Lượng lượt xem YouTube của POPS tăng vọt hơn 22% cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, các nội dung thiếu nhi trên kênh POPS Kids và các nội dung giải trí dành cho học sinh trung học trên kênh POPS Anime có sự tăng trưởng gần 200%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020 có sự tăng trưởng vượt trội của hình thức livestream với lượng thời gian xem tăng lên 300%, trong đó tập trung ở các nội dung giải trí dành cho trẻ, các livestream sự kiện tin tức thực tế từ các kênh truyền thông và các livestream giao lưu với người hâm mộ từ các nghệ sĩ”, bà Trương Tú Ngân, Giám đốc truyền thông của POPS, chia sẻ.
Bà Trương Tú Ngân cũng nhấn mạnh, nếu trước đây, vào các ngày nghỉ, lượng người xem cao hơn ngày thường thì khoảng thời gian này, hầu như các ngày trong tuần đều có lượt xem cao bằng nhau.
Trong khi đó, theo ông Phan Lê Trung Tín, đại diện truyền thông FPT Play: “Lượng người xem truyền hình trực tuyến trên FPT Play vào tháng 2-2020 tăng 40% so với tháng 1, và dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào tháng 3”.
Một dẫn chứng tiêu biểu, đó là vào đầu tháng 3, tập đầu tiên của Phượng Khấu - series phim cổ trang, cung đấu Việt khi lên sóng trên ứng dụng giải trí POPS đã gây ra tình trạng nghẽn mạng.
Ông Lâm Trung Quân, Giám đốc nền tảng của POPS Worldwide, đơn vị chủ quản ứng dụng POPS, cho biết, ngay cùng một thời điểm ra mắt Phượng Khấu, hệ thống ghi nhận lượng người dùng đăng ký và truy cập ứng dụng đã tăng gấp 7 lần.
Báo cáo “Nghiên cứu dịch vụ truyền hình trực tuyến (video streaming) tại thị trường Việt Nam” do Q&Me, dịch vụ nghiên cứu thị trường thực hiện vào tháng 2-2020 trên 676 người đang sinh sống tại Việt Nam (trong đó có 202 người biết đến các dịch vụ xem truyền hình trực tuyến) trong độ tuổi 20-49, cũng đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý.
Theo đó, tốp 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tại Việt Nam hiện nay gồm: FPT Play, Netflix, K+, VTV Cab On và Zing TV. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, điện thoại thông minh (76%) và tivi thông minh (73%) là những thiết bị được sử dụng nhiều nhất. Và, có đến 97% người dùng xem video tại nhà. Thứ tự yêu thích các chủ đề: Phim dài tập/phim lẻ (60%), Âm nhạc (50%) và Chương trình giải trí/Trò chơi truyền hình/Chương trình thực tế (48%).
Những con số nói trên cho thấy, dù là miễn phí hay trả phí, xu hướng giải trí trực tuyến tại Việt Nam vốn đã có những tăng trưởng tích cực nay càng có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông Phan Lê Trung Tín cho biết: “Người dân bắt đầu e ngại ra đường, hạn chế tập trung nơi đông người, và nhu cầu xem phim ảnh, giải trí tại nhà cũng bắt đầu tăng lên. Xu hướng chuyển dịch này càng phát triển mạnh mẽ khi nhiều địa phương trên cả nước đã đề nghị dừng hoạt động rạp chiếu phim, karaoke, quán bar, vũ trường… từ giữa tháng 3-2020, trong đó có 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM”.
Chị Hoàng Ánh (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, gia đình vừa đăng ký thêm dịch vụ Netflix để có thể theo dõi nhiều bộ phim, chương trình giải trí mới trong giai đoạn hiện nay.
Lựa chọn và thách thức
Diễn viên Huỳnh Lập vừa chia sẻ thông tin, bộ phim Pháp sư mù sau gần 6 tháng công chiếu tại rạp đã có mặt trên nền tảng Fim+ từ ngày 27-3. Anh mong bộ phim sẽ giúp khán giả có thêm lựa chọn trong thời điểm này, đồng thời góp được một phần trong việc lan tỏa thông điệp tích cực đến với mọi người.
Điểm qua các ứng dụng, nền tảng, dịch vụ giải trí trực tuyến tại Việt Nam hiện nay, có thể thấy tính đa dạng về thể loại, nội dung được phân chia rõ ràng theo các chủ đề khác nhau: phim bộ, chương trình truyền hình, phim lẻ, thiếu nhi, thể thao, tài liệu…
Ứng dụng POPS hoàn toàn miễn phí phân chia đối tượng là người lớn hay trẻ em để cung cấp nội dung phù hợp. Fim+ hay DANET đều có chuyên mục phim Việt. Nhiều ứng dụng như: FPT Play, DANET, Zing TV… hiện duy trì cả hai hình thức miễn phí và trả phí.
Mức giá của các dịch vụ xem trực tuyến hiện có giá từ vài ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng. Đơn cử như gói Fim+ chuẩn là 30.000 đồng/tháng, Fim+ cao cấp là 50.000 đồng/tháng; HBO Go là 79.000 đồng/tháng. DANET hiện triển khai gói ngày, tuần và VIP lần lượt là 3.000 đồng, 10.000 đồng và 59.000 đồng/tháng. Mặt bằng thị trường, Netflix đang có giá khá cao, với các gói cước 180.000 đồng, 220.000 đồng và 260.000 đồng/tháng.
Mặc dù đang tăng trưởng và có nhiều thuận lợi, nhưng ở thời điểm hiện tại, các đơn vị kinh doanh giải trí trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn. Bà Trương Tú Ngân cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp, nên hầu hết các hoạt động sản xuất của thị trường giải trí đều bị ảnh hưởng. Do đó, hiện tại và trong tương lai gần, có thể dễ hình dung được là các sản phẩm đình đám, các dự án lớn sẽ có nhiều điều chỉnh và thay đổi. Là đơn vị có mối quan hệ mật thiết với các studio lớn trên thế giới và trong khu vực, POPS sẽ phải linh động để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình chung”.
Đại diện FPT Play cũng thừa nhận, sự ảnh hưởng này khiến việc sản xuất phim truyền hình đang bị đình trệ, các sự kiện thể thao lớn cũng bị hoãn hoặc hủy… và tất yếu, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
Giải pháp được phía POPS đưa ra là “tạm dời hoặc điều chỉnh kế hoạch đối với các dự án lớn và thay vào đó phát triển các ý tưởng mới với quy mô nhỏ gọn, thực hiện nhanh chóng để cùng kết hợp với các nghệ sĩ mang đến thêm sản phẩm giải trí, cũng như hưởng ứng với cộng đồng cùng nhau vượt qua giai đoạn này”.
FPT Play đặc biệt quan tâm đến đối tượng trẻ em trong giai đoạn nghỉ học một thời gian dài ở nhà và liên tục cập nhật những phim thiếu nhi, phim về đề tài gia đình, và cả những nội dung giáo dục trực tuyến, nâng cao kỹ năng, rèn luyện sức khỏe… để giúp cho các em có thể vừa giải trí, vừa tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới.