Sáng 11-11, Hệ thống Trường quốc tế UK Academy đã phối hợp cùng Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy tổ chức Hội thảo "Tâm thế và hành trang cho con vào lớp 1" nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các phương pháp giúp trẻ chuẩn bị tâm thế tích cực trước khi vào lớp 1.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi dự án "Trái tim cha mẹ, tương lai con trẻ" do Học viện Anh quốc khởi xướng với mục đích cùng gia đình xây dựng môi trường giáo dục lý tưởng cho trẻ em.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM cho biết, tâm lý lo lắng cho trẻ trước khi vào lớp 1 thường xuất phát từ phía phụ huynh nhiều hơn con trẻ. Với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, trẻ em dễ có khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường xung quanh. Trẻ có thể biểu hiện rụt rè hay hăm hở thái quá nhưng không có cảm giác lo sợ.
"Người thật sự đứng ngồi không yên là chính ba mẹ các em, với kinh nghiệm sống quá đầy đủ sẵn sàng vẽ ra trong đầu hàng trăm câu hỏi như ở môi trường mới con mình sẽ thích nghi thế nào? Ăn ngủ, sinh hoạt có ổn không? Con có đáp ứng được yêu cầu học mới ở bậc tiểu học?...", TS. Đinh Phương Duy phân tích.
Để giải tỏa lo lắng đó, ba mẹ cần chuẩn bị cho con về tinh thần, thể chất và một số kỹ năng xã hội giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập môi trường học tập ở bậc tiểu học- vốn có nhiều khác biệt so với bậc mầm non.
TS. Phương Duy dẫn chứng, nếu như ở bậc mầm non, trẻ được phép đi lại, nhảy múa, tùy hứng chơi đồ chơi, tương tác với những vật dụng cụ thể, không cần ghi nhớ quá nhiều kiến thức thì lên đến tiểu học, các em phải ngồi yên suốt giờ học, tuân thủ các quy định về giờ giấc, thời gian tổ chức tiết học, vừa làm quen, tiếp xúc những điều mới vừa phải ghi nhớ lời yêu cầu, dặn dò của giáo viên.
Do đó, để tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi tiếp xúc môi trường học tập mới, TS. Phương Duy lưu ý ba mẹ cần xây dựng cho trẻ hình ảnh tích cực về trường học như dẫn trẻ đi tham quan trường, trò chuyện với cô giáo mới. Ngoài ra, chính phụ huynh là người có khả năng khơi dậy sự ham thích học tập cho trẻ như dẫn con đi mua sắm đồng phục, dụng cụ học tập mới, mô tả sự thú vị cũng như ý nghĩa của việc học.
Bên cạnh đó, ngay từ những sinh hoạt nhỏ nhất trong gia đình như giờ ăn cơm, cả nhà cùng xem ti vi, đọc sách, ba mẹ nên tập cho trẻ thói quen quan sát, tập trung chú ý, cách phân tích, ghi nhớ đặc tính của sự vật, hiện tượng. Thời gian hè trước khi vào lớp 1, gia đình có thể xây dựng thói quen học tập tại nhà cho trẻ như chuẩn bị góc học tập với nhiều đồ vật trang trí xinh xắn, tạo thói quen mỗi ngày 15 phút ngồi trên bàn học để trẻ không bỡ ngỡ với thời gian biểu học tập khi vào lớp 1.
Theo TS. Phương Duy, điều quan trọng nhất là ba mẹ không nên có suy nghĩ "trẻ em là người lớn thu nhỏ", yêu cầu trẻ phải hoàn toàn thích nghi và hành động như người lớn mà cần tôn trọng sở thích, năng khiếu, đam mê riêng của trẻ.
THU TÂM