
Một số bà con sống ở lô K, N, O của chung cư (C/C) Nguyễn Kim (phường 7 quận 10 TPHCM) phản ánh với Báo SGGP về việc chính quyền địa phương thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa hợp lý. Để làm rõ những vấn đề mà bạn đọc khiếu nại, kiến nghị, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lâm Đình Chiến (ảnh), Bí thư Quận ủy quận 10 kiêm Chủ tịch UBND quận 10.
- PV: Thưa ông, nhiều bà con phản ánh rằng họ thiếu thông tin và thời gian buộc phải di dời đến nơi tạm cư quá gấp khiến họ bị sốc, chưa kịp chuẩn bị về tinh thần?
Ông LÂM ĐÌNH CHIẾN: Thay đổi về chỗ ở là vấn đề hệ trọng đối với mỗi người dân. Điều này lãnh đạo quận rất thông cảm với người dân nhưng chúng tôi buộc phải thực hiện gấp việc di dời, tháo dỡ C/C cũ theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Bởi lẽ, chất lượng kiểm định cho thấy các lô K,N,O đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu an toàn và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Để bảo vệ tính mạng và tài sản của bà con, UBNDTP chỉ đạo quận phải thực hiện gấp việc di dời trong vòng 2 tuần, kể từ ngày có quyết định (14-7-2009). Trước khi triển khai việc di dời, phường và quận đã họp bàn với các hộ dân về 4 phương thức bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chọn lựa phương án phù hợp và đã trao bảng giá chiết tính bồi thường để từng hộ dân nắm rõ thông tin, chủ trương.
- Bà con khiếu nại mức giá bồi thường hiện nay theo Quyết định số 4386/QĐ-UBNĐ của UBND quận 10 chưa tương xứng với trị giá từng căn hộ của C/C. Vì sao họ không được quyền thương lượng, thỏa thuận với chủ đầu tư?
Đơn giá đất ở để tính bồi thường, hỗ trợ này đã được thẩm định, phê duyệt theo một trình tự thủ tục chặt chẽ, khách quan. Đây là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Việc bồi thường căn hộ cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa ở 3 lô N, K, O đúng theo giá thị trường tại thời điểm triển khai giải tỏa. Vì thế, bà con đề nghị điều chỉnh lại đơn giá đất ở sát với thị trường là chưa có cơ sở thực hiện.
Theo quy định của Nghị định 84/CP và 197/CP, việc di dời, tháo dỡ, xây dựng lại C/C cũ bị hư hỏng, xuống cấp thuộc dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư do nhà nước thu hồi đất, đồng thời thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Vì thế, đơn giá bồi thường, hỗ trợ phải áp dụng theo quy định của Chính phủ, UBNDTP, không thể thực hiện theo phương thức thương lượng, thỏa thuận như đề nghị của bà con.
- Tại sao cùng một diện tích ở lầu 1 và nằm trên cùng tuyến đường Lý Thường Kiệt nhưng đơn giá bồi thường đối với C/C Lý Thường Kiệt thuộc quận 11 lại cao hơn C/C Nguyễn Kim quận 10?
Thắc mắc, kiến nghị của bà con hoàn toàn đúng. Để làm rõ bất hợp lý này, quận đã có văn bản số 5369/UBND-QLĐT kiến nghị lên UBND TP sớm xem xét và điều chỉnh lại giá bồi thường cho hợp lý, công bằng. Khi nào nhận được công văn phản hồi từ UBNDTP, quận sẽ phổ biến ngay cho người dân biết.
- Một bất hợp lý khác là việc áp bình quân diện tích căn hộ là 38,89m2 và không công nhận diện tích sở hữu theo giấy chủ quyền nhà để bồi thường?
Hầu hết những căn hộ tại 3 lô N, K, O đều có diện tích là 38,89m2, số căn hộ có diện tích nhỏ hoặc lớn hơn 38,89m2 không nhiều (khoảng vài chục hộ). Để đơn giản việc niêm yết giá, Hội đồng thẩm định giá đã cố định một khung diện tích là 38,89m2 để bồi thường. Điều này khiến một số hộ có diện tích căn hộ lớn hơn 38,89m2 không chấp nhận. Việc này quận đã có kiến nghị gởi UBNDTP xem xét điều chỉnh theo nguyện vọng chính đáng của bà con.
- Những hộ chưa được hợp thức hóa nhà ở theo Nghị định 61/CP của Chính phủ thì được hỗ trợ như thế nào?
Do các hộ chưa được cấp chủ quyền nhà bị thiệt thòi, chỉ được áp giá đền bù bằng 60%, nên UBND quận đã kiến nghị TP cho phép sử dụng khoản ngân sách 40% giao cho quận để hỗ trợ thêm cho họ mua nhà ở. Riêng đối với những hộ không đủ khả năng mua nhà mới thì được quyền thuê lại căn hộ mới với diện tích cũ theo giá quy định của nhà nước (phần diện tích chênh lệch còn lại sẽ tính theo giá thị trường).
Như vậy, chính quyền quận 10 còn “nợ” người dân 3 điều và chúng tôi đang rốt ráo hỏi UBNDTP để trả lời cho họ.
* Một số hộ kinh doanh lo lắng sau khi di dời, họ có được bố trí lại chỗ kinh doanh mới ở một dự án khác của quận hoặc sau khi dự án cải tạo c/c này hoàn tất? * Đến giờ này, phần lớn bà con đã đồng tình, chấp thuận việc di dời, trong đó có 257 hộ đã bàn giao nhà. Hiện chỉ có 38 hộ chưa ký biên bản thỏa thuận phương thức di dời và một số hộ kinh doanh đang vướng chuyện kinh doanh nên chậm bàn giao mặt bằng. Quận đã ra thông báo hạn chót là ngày 15-10, các hộ còn lại phải bàn giao mặt bằng để kết thúc việc di dời. Như thế là quận đã thông cảm, chia sẻ với bà con để kéo dài thời gian di dời đến 2 tháng so với chỉ đạo của UBNDTP. Đối với những hộ kinh doanh, nếu chấp hành đúng quy định về thời gian di dời thì quận sẽ ưu tiên bố trí lại mặt bằng kinh doanh ở nơi mới cho họ hoặc tại dự án này khi đã hoàn tất.Trong quá trình thực hiện việc di dời, đền bù giải tỏa, lãnh đạo quận 10 tiếp tục lắng nghe ý kiến và nguyện vọng chính đáng của người dân để tháo gỡ, giúp họ sớm ổn định chỗ ở, nơi kinh doanh phù hợp |
Tuấn Vũ thực hiện