Khi “thuyền trưởng” tận tâm...

Được công nhận giáo viên dạy giỏi đã khó, trở thành một cán bộ quản lý giỏi đòi hỏi người thầy phải nỗ lực nhiều hơn. Trên hành trình đó, va vấp là điều khó tránh khỏi, song thử thách càng giúp những “cái đầu lạnh” trở nên vững vàng hơn.

Bản lĩnh người đứng đầu

Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TPHCM) gây ấn tượng với người đối diện bằng chất giọng nhẹ nhàng, phong thái điềm tĩnh. Cô cho biết “được là chính mình” khi đến với nghề giáo vì yêu sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ. Sau 10 năm làm giáo viên, cô được bổ nhiệm chức vụ quản lý.

CN6 Anh6 co Dung.jpg
Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TPHCM) trò chuyện với học sinh

Chia sẻ về một lần “vấp ngã” giúp bản thân vững vàng hơn, cô Dung cho biết, đó là năm đầu tiên cô nhận công tác ở đơn vị mới. Khi đó, kết quả đánh giá cán bộ, công chức cuối năm, tỷ lệ tín nhiệm tập thể dành cho cô chỉ đạt 80% - điều trước nay chưa từng xảy ra ở đơn vị cũ. “Đó là một cú sốc khiến tôi trăn trở trong thời gian dài. Tôi tự kiểm điểm lại những việc mình đã làm, phân tích việc chưa làm được để tìm ra hạn chế của bản thân. Sau cùng, tôi nhận ra không phải việc mình làm đúng hay sai mà điều quan trọng là làm sao có sự ủng hộ của tập thể mới là thành công của cán bộ quản lý”, cô Nguyễn Thị Dung trải lòng. Trong công tác quản lý, mỗi người có cách điều hành công việc khác nhau, có người tỉ mỉ, chỉn chu, có người phóng khoáng hơn. Nếu không khéo léo và tâm lý, cán bộ quản lý sẽ không có sự đồng thuận cao của tập thể, từ đó khó tạo được tập thể đoàn kết.

Hơn 20 năm làm quản lý, cô Nguyễn Thị Dung đã chứng minh năng lực của mình thông qua hiệu quả công việc. Việc dù lớn hay nhỏ đều được cô xử lý trên tinh thần khách quan, công bằng, không để cảm xúc cá nhân chi phối. Tại đơn vị công tác, cô bám sát từng hoạt động chuyên môn của giáo viên, sẵn sàng “xắn tay áo” chỉnh sửa bài giảng, tổ chức các hoạt động chuyên đề nhằm giúp đội ngũ giáo viên nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Đặc biệt, khi toàn ngành triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cô luôn thực hiện tốt vai trò của cán bộ quản lý là động viên giáo viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học hiện đại để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Nhiều năm liền, Trường Tiểu học Đống Đa giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến và hội nhập quốc tế nhờ sự tận tâm lèo lái của người “thuyền trưởng”. Ngôi trường ấy trở thành nơi chắp cánh cho biết bao ước mơ của học trò, góp thêm thành công cho sự nghiệp giáo dục chung của thành phố.

Trưởng thành từ gian khó

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông, điều kiện kinh tế khó khăn, cô Huỳnh Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) may mắn nhận được sự động viên, hỗ trợ của những người thầy, giúp cô hoàn thành ước mơ được đến trường. Thấu hiểu khó khăn của mảnh đất “miếng ăn nặng hơn con chữ” đó, cô quyết tâm theo nghề giáo để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh. Cô luôn tâm niệm, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy học sinh biết yêu thương, tôn trọng người khác, gieo vào lòng các em những ước mơ, hoài bão.

CN6 Anh7 co Kim Loan.jpg
Cô Huỳnh Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM)

Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như huyện Cần Giờ, việc vận động học sinh nghèo bỏ học trở lại lớp là một nhiệm vụ đầy ý nghĩa nhưng cũng không ít khó khăn đối với giáo viên và nhà trường. Trong 12 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô đã vận động, hỗ trợ nhiều học sinh trở lại lớp. Trong đó, kỷ niệm với một học trò tên Hiền khiến cô không bao giờ quên. Hiền là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi. Nhà em cách trường hơn 10km khiến việc đến trường vất vả hơn các bạn cùng lớp. Hàng ngày, khi trời chưa sáng, em phải dậy sớm, đón xe buýt đến trường. Phần ăn trưa ở trường có khi là cơm nguội đem theo từ sáng sớm, có khi là tô mì gói mua vội ở căn tin. Chi phí cho việc đi học của em dù không nhiều nhưng là gánh nặng cho gia đình bởi hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Khi biết mẹ em có ý định cho em nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, cô Kim Loan đã lặn lội đến nhà tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh gia đình và trò chuyện với phụ huynh. Sau nhiều cố gắng, cô đã thuyết phục được gia đình cho em tiếp tục đến trường với sự hỗ trợ vé xe buýt và phần ăn trưa từ giáo viên chủ nhiệm trong suốt năm học lớp 9. Cô học trò nhỏ năm ấy giờ đã có gia đình và nghề nghiệp ổn định. Mỗi lần gặp lại, em đều bày tỏ lòng biết ơn vì nếu không có sự động viên, giúp đỡ của cô Kim Loan thì cuộc đời em đã rẽ sang hướng khác.

Hiện nay, tất cả lĩnh vực, ngành nghề đều đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của một ngôi trường ở vùng ven, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy không thuận lợi như các trường ở nội thành, nhưng cô Kim Loan không nản lòng mà tìm mọi cách để giúp học sinh của mình có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều năm qua, nhà trường đã vận động các nguồn xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân hỗ trợ máy tính cũ, điện thoại đã qua sử dụng để học sinh có thiết bị sử dụng trong giờ học trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động một số nhà mạng hỗ trợ đường truyền internet miễn phí cho học sinh ở những khu vực khó khăn. Nhờ sự kiên trì của người cán bộ quản lý, điều kiện học tập của học sinh ngày càng tốt hơn, bắt nhịp với sự phát triển chung của toàn ngành.

Quan niệm “ngựa chứng là ngựa giỏi”

Từ khi còn là học sinh phổ thông, thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp (TPHCM), là một cán bộ Đoàn năng nổ. Với tâm niệm nghề giáo là một trong những nghề “sạch” trong xã hội, ít bị cám dỗ bởi quy luật thị trường, thầy đã gắn bó với công việc này suốt 38 năm qua. Trong đó, 26 năm làm cán bộ quản lý ở trường học và phòng GD-ĐT đã tạo điều kiện để thầy có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục và đào tạo.

CN6 Anh9 thay Vinh Thanh.jpg
Thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TPHCM

Nói về hành trình đã đi qua, thầy Vĩnh Thanh cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với cán bộ quản lý là phải có sức khỏe, vì không có sức khỏe thì sẽ không chịu được áp lực công việc. Cán bộ quản lý làm việc không chỉ bằng cái đầu mà còn bằng cả đôi tay, trực tiếp làm mẫu và hướng dẫn đội ngũ cùng làm theo. Trong quá trình triển khai công việc, hiệu quả không chỉ đến từ sự nhiệt tình mà còn cần trải qua đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Để đáp ứng yêu cầu công việc, một trong những phẩm chất không thể thiếu của cán bộ quản lý là cái tâm và ý thức trách nhiệm. Trong công tác quản lý, thầy luôn đề cao tinh thần dân chủ, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện từ nhiều phía để điều chỉnh nếu cần thiết.

“Tại Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, tôi khuyến khích anh em thường xuyên phản biện, thực hiện dân chủ cơ sở đúng nghĩa chứ không làm cho có hình thức. Tôi cho rằng “ngựa chứng là ngựa giỏi”, người dám phản biện là người có trình độ, bản lĩnh, tư duy và năng lực thể hiện. Nhờ tiếp thu các ý kiến đóng góp, kế hoạch hoặc đề xuất của tập thể mới đi sâu, đi sát các vấn đề thực tế của giáo dục”, thầy Vĩnh Thanh chia sẻ. Ngoài ra, trong vai trò cầu nối giữa trường học với cơ quan quản lý của thành phố, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp luôn mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trường học, phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục của thành phố.

Danh sách cán bộ quản lý được xét trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024

1. Nguyễn Thị Mỹ Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1)

2. Trịnh Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Trường (TP Thủ Đức, TPHCM)

3. Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình)

4. Nguyễn Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5)

5. Huỳnh Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Long Hòa (huyện Cần Giờ)

6. Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú)

7. Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5)

8. Lê Quang Ninh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên NK TDTT Nguyễn Thị Định (quận 8)

9. Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Thủ Đức (TPHCM)

10. Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp

11. Lê Thị Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè

12. Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Ánh Dương (quận 12)

13. Phan Thị Hương Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1)

Tin cùng chuyên mục