Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024: Gương sáng về tinh thần tự học

LTS: Hướng đến kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 27 - năm 2024. Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh công lao đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác ở các trường phổ thông.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Vượt qua khó khăn thường nhật trong cuộc sống, các thầy, cô giáo được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về ý chí phấn đấu, tinh thần tự học không ngừng nghỉ. Tự học không chỉ để trao truyền kiến thức cho học sinh, thích ứng với thay đổi của thời đại mà còn qua đó thắp sáng hơn ngọn lửa nghề.

O1h.jpg
Cô Lưu Thị Lệ Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7, TPHCM) bên học trò của mình. Ảnh: THU TÂM

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo nghề giáo, cô Lưu Thị Lệ Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7), nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo từ những ngày thơ bé. Lớn hơn một chút, cô nhận ra nghề giáo tuy không giàu có về vật chất nhưng giàu về tri thức và tâm hồn. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, cô được phân công giảng dạy tại Trường THCS-THPT Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An).

Trường ở vùng quê nghèo khó, hàng ngày cô, trò cùng nhau bơi xuồng, lội qua dòng nước lũ để đến lớp. Năm 1997, sau khi lập gia đình, cô theo chồng về TPHCM công tác. Thời điểm đó, do chưa có hộ khẩu TPHCM, cô trở thành giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Phước Kiển 1 (huyện Nhà Bè), ngôi trường ở vùng sâu, cách nhà hơn 15km.

O3c.jpg
Cô Lưu Thị Lệ Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7) bên học trò của mình

Mùa nước lên, con đường đất đỏ mất hút hoàn toàn trong biển nước, giáo viên trong trường phải chờ đến 21-22 giờ tối, nước rút xuống mới cùng nhau đạp xe về nhà. Song, việc đi lại khó khăn không dập tắt được ngọn lửa yêu nghề nơi cô Lệ Hoa. Ở mảnh đất nghèo khó, cái nghèo đã lấy đi ước mơ con chữ của nhiều học sinh, các em phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình lo toan cuộc sống. Cô Lệ Hoa đã đến nhiều gia đình để vận động, trao tặng sách vở, quần áo, học phí cho học sinh nghèo, kêu gọi thêm đồng nghiệp trong trường, người thân cùng chung tay giúp đỡ học sinh.

Với mong muốn gắn bó lâu dài với nghề giáo, cô mạnh dạn nộp hồ sơ tuyển dụng viên chức giáo viên. Năm đó, huyện Nhà Bè thiếu giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học. Cô may mắn trúng tuyển và trở thành giáo viên tiếng Anh tăng cường của Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7). Sự chuyển đổi từ bậc học này qua bậc học khác không làm cô giáo trẻ nản lòng, mà trái lại càng củng cố quyết tâm tự học, rèn giũa chuyên môn để nâng cao hiệu quả công tác.

Nhận thấy học sinh tiểu học thường nhanh chán với những bài tập từ vựng khô khan, cô Lệ Hoa tự mày mò, thiết kế những bài giảng sinh động, kết hợp giữa học từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh với các hoạt động trò chơi. Nhờ vậy, học sinh không chỉ hứng thú với môn học mà còn ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên, lâu bền.

Người thầy của những huy chương

Chân dung thầy Đỗ Minh Phụng, giáo viên giáo dục thể chất Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11) trong lòng các thế hệ học sinh là người thầy giản dị. Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề giáo, bộ sưu tập huy chương qua các lần dẫn học sinh đi thi đấu ở các giải đấu cấp quận, thành phố và quốc gia nhiều không đếm xuể.

O3b.jpg
Thầy Đỗ Minh Phụng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11) trong giờ dạy môn thể dục

Nhưng khi được hỏi về những thành tích đó, người thầy với chất giọng Nam bộ chất phác chỉ kể về những lần đưa đón học sinh đi thi đấu, tận tay đặt từng suất ăn cho các em, cùng học trò trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tham gia các giải đấu. Đối với thầy Minh Phụng, màu của tấm huy chương không nói lên hết sự quyết tâm, những giọt mồ hôi thầy và trò đã cùng đổ trên sàn tập. Thành tích của một giải đấu - dù cao hay thấp - đều là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò.

Năm 2019, thầy Minh Phụng được chọn là một trong những giáo viên cốt cán của thành phố chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhận thấy tầm quan trọng của việc kết hợp kiến thức nhiều môn học để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, người thầy trước nay chỉ quen với trái bóng, xà ngang, thảm tập đã tự mày mò nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn mới là nghiên cứu khoa học.

“Chuyên môn của tôi là thể dục thể thao nên khi đụng vô kiến thức các môn công nghệ, vật lý, sinh học, tôi mất nhiều thời gian để đọc tài liệu, nhờ đồng nghiệp các bộ môn khác hướng dẫn, kết hợp thêm quan sát và hiểu biết của bản thân để thực hiện các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tế”, thầy Minh Phụng chia sẻ. Năm học vừa qua, nhờ khéo léo kết hợp nội dung các môn học, thầy đã thiết kế dụng cụ cảm biến đo thành tích chạy cự ly ngắn cho học sinh trong giờ học thể dục. Người thầy ấy luôn tâm niệm, chương trình mới đang đặt ra nhiều thử thách cho giáo viên, song cũng là cơ hội cho thầy, cô giáo trui rèn bản lĩnh, học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu để gắn “học” với “hành”, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh.

Trái ngọt từ ý chí kiên cường

Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 27 năm 2024 là món quà chia tay đầy ý nghĩa trước khi ông Trần Thế Hùng, chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1-1-2025. Nhìn lại hành trình 35 năm công tác trong ngành giáo dục, điều khiến ông tự hào nhất là từ xuất phát điểm “không bằng cấp, không kinh nghiệm”, với ý chí và nỗ lực kiên cường, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục.

O3a.jpg
Ông Trần Thế Hùng, chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM)

Ngày còn trẻ, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông chỉ học hết lớp 11 rồi làm thợ may để đóng góp trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Một cơ duyên tình cờ, ông đăng ký đi nghĩa vụ quân sự và gắn bó với môi trường quân ngũ 4 năm. Rời môi trường quân đội, ông được giới thiệu làm nhân viên bảo vệ tại Sở GD-ĐT TPHCM. Nhờ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó, ông được nâng lên vị trí nhân viên lưu trữ, quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Năm 1996, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Phòng Khảo thí (tiền thân của Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay) trực thuộc Sở GD-ĐT TPHCM. Ông Trần Thế Hùng là một trong những nhân sự đầu tiên của Phòng Khảo thí. Thời điểm đó, ông phụ trách công tác tiếp dân, xác minh văn bằng, chứng chỉ, hỗ trợ công tác tuyển sinh của toàn ngành. Dù hàng ngày khối lượng công việc khá lớn, nhưng ý thức được chỉ có học tập mới hoàn thành tốt công việc được giao, ông đăng ký học lớp bổ túc văn hóa vào buổi tối.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Cán bộ quản lý, giáo viên được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản không chỉ dựa trên thâm niên công tác, cống hiến cho ngành giáo dục và đào tạo, qua đó lan tỏa những phương pháp, mô hình giáo dục hay, mà quan trọng hơn hết là tạo được sự tín nhiệm trong tập thể sư phạm, có sự tin yêu, kính trọng của phụ huynh, học sinh.

“Lúc mới bắt đầu lại việc học, tôi mất kiến thức căn bản của nhiều môn học. Không chịu đầu hàng, tôi thường chong đèn học đến khuya. Tốt nghiệp cấp 3, tôi tự ôn tập trong một năm rồi đăng ký thi vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Sau khi có bằng cử nhân, tôi học tiếp cao học”, ông Thế Hùng nhớ lại. Hiện nay, ông đã có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học công nghệ.

Theo ông, dù ở vị trí công tác nào, tự học là chìa khóa quan trọng nhất để đạt được thành công. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, kiến thức được cập nhật qua nhiều nguồn khác nhau, người học cần phải có kỹ năng tự học, sàng lọc kiến thức, kết hợp với đổi mới tư duy để trở thành công dân năng động trong thời đại mới.

Tin cùng chuyên mục