Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024: Dệt con chữ bằng yêu thương

Hôm nay 18-11, lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 27 năm 2024 diễn ra vào lúc 8 giờ sáng tại Hội trường Thành phố. Năm nay, giải thưởng tôn vinh 50 cán bộ quản lý, giáo viên ở các bậc học gồm mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt.

Để dạy học sinh khuyết tật, giáo viên ở các trường chuyên biệt, trường phổ thông có học sinh học hòa nhập phải nỗ lực nhiều hơn đồng nghiệp ở các trường bình thường khác. Mỗi bài học trên lớp không chỉ là kiến thức mà còn là kỹ năng xã hội, giúp trẻ khuyết tật không trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội.

Soạn giáo trình riêng cho học sinh khiếm thị

Cô Đinh Lan Phương, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, là gương mặt không còn xa lạ với ngành giáo dục đặc biệt. Tại lớp học của cô, giờ học “Phép cộng trừ trong phạm vi 20” bắt đầu bằng những câu hỏi về món ăn học sinh yêu thích. Dù các em không thể nhìn thấy nhau nhưng những cái đập tay, sự chia sẻ chính là cầu nối giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Cô Lan Phương cho biết, giáo viên không chỉ dạy học sinh khuyết tật kỹ năng, kiến thức mà còn là điểm tựa tinh thần, giúp các em có thể mở lòng, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Mỗi sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của các em đều trở thành niềm vui đối với giáo viên và gia đình.

R4c.jpg
Cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu trong giờ ăn của trẻ

Trước đây, học sinh của cô Lan Phương đa phần là đơn tật, nhưng nhiều năm trở lại đây, số em đa tật ngày càng nhiều. Không ít lần cô giáo trẻ đã bật khóc vì bất lực khi học sinh vừa không nhìn thấy, vừa không nghe được. Làm sao mở được cánh cửa bước vào thế giới không thanh âm, không màu sắc đó là thử thách lớn đặt ra cho giáo viên. Không chịu đầu hàng, cô quyết tâm mày mò tìm đọc tài liệu trên mạng, tham gia các buổi tập huấn với chuyên gia nước ngoài, mỗi ngày tích lũy thêm kinh nghiệm để tìm ra phương pháp giáo dục trẻ.

“Học sinh của tôi thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa. Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tập trung đẩy mạnh kênh hình, kênh chữ khiến các em gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức. Tôi đã cùng đồng nghiệp biên soạn tài liệu dạy học dành cho học sinh khiếm thị. Qua 5 năm ròng rã, bộ sách đã hoàn chỉnh, giúp các em có thể tiếp cận chương trình mới”, cô Lan Phương bộc bạch. Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi số, giáo viên có thể tìm kiếm tư liệu giảng dạy từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, cô cho rằng, sự kiên nhẫn, yêu thương và đồng cảm là những yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Chặng đường phía trước còn rất dài nhưng cô giáo Lan Phương vẫn kiên trì, ngày đêm lặng lẽ thắp lên niềm tin và hy vọng cho những phận đời kém may mắn.

Yêu trẻ bằng tấm lòng người mẹ

Cô Phan Thị Hương Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1), nhớ lại, năm 17 tuổi, do không trúng tuyển ngành học mơ ước, trong một năm ôn tập chờ thi lại vào năm sau, cô đã bén duyên với công việc chăm sóc trẻ khuyết tật. Tình cảm và sự gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt khiến cô gái trẻ quyết định “rẽ hướng” qua giáo dục đặc biệt. “Công việc tuy vất vả, nhưng tôi được nhận lại tình cảm vô bờ của học trò và phụ huynh. Sợi dây yêu thương đó đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh, nên tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc trong suốt 37 năm qua”, cô Hương Xuân trải lòng.

R4d.jpg
Cô Phan Thị Hương Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (quận 1), trong một hoạt động với trẻ khuyết tật

So với dạy học sinh bình thường, giáo viên chỉ cần thời gian của một tiết học 45 phút có thể giúp trẻ nhớ được một chữ cái, thì với học sinh khuyết tật, giáo viên phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng mới giúp các em nhớ được mặt chữ. Trong thời gian đó, giáo viên phải tổ chức nhiều hoạt động, kiên nhẫn lặp đi lặp lại một đơn vị kiến thức để học sinh ghi nhớ. Nếu không có sự kiên trì, thầy cô dễ nản lòng, thậm chí mất phương hướng.

Khi phụ trách công tác quản lý, cô Hương Xuân luôn tận tình chỉ dẫn kinh nghiệm cho giáo viên trẻ mới về trường. Khi gặp tình huống khó, cô không ngại “xắn tay áo” hỗ trợ giáo viên. Tập thể sư phạm không còn xa lạ với hình ảnh cô hiệu phó luôn là người đầu tiên có mặt tại trường vào mỗi buổi sáng, kiểm tra khâu tiếp phẩm, sơ chế thức ăn cho học sinh. Khi các em lên lớp học, cô luôn dõi theo các hoạt động, đảm bảo mỗi học sinh được tiếp cận giáo án phù hợp nhất.

Ngôi trường chuyên biệt đã trở thành mái nhà thứ hai của cô, nơi có cả tình yêu thương, niềm vui, hạnh phúc xen lẫn tiếc nuối, trăn trở vì những điều chưa làm được cho học trò. Với tấm lòng người mẹ, cô mong muốn học trò của mình vượt qua mặc cảm, tự tin bước đi trên chính đôi chân của mình.

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, không thể kể hết những khó khăn, vất vả trong công tác giảng dạy của thầy cô giáo ở các trường chuyên biệt, giáo viên dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập. Nhưng với tấm lòng của người cha, người mẹ, sự cần mẫn, tận tụy và hy sinh, thầy cô đã mở rộng hơn cánh cửa vào đời cho những hoàn cảnh kém may mắn.

Biến khó khăn thành động lực

Theo chia sẻ của cô Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12), cô tham gia công tác Đoàn tại địa phương sau khi tốt nghiệp đại học. Khi quyết định “rẽ” qua một hướng đi khác, cô gặp rất nhiều khó khăn. Ngày đầu tiên đến trường chuyên biệt nhận nhiệm vụ, cô đã rất lúng túng vì không hiểu được ngôn ngữ ký hiệu của trẻ khuyết tật. Nhờ quyết tâm học tập, tìm hiểu và nghiên cứu thêm tài liệu về giáo dục đặc biệt, cô dần bắt nhịp được với công việc.

R4e.jpg
Cô Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12)

Hiện nay, Trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12) tiếp nhận nhiều đối tượng học sinh khác nhau như khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động, tự kỷ, hội chứng down… Do năng lực giao tiếp hạn chế, các em gặp nhiều khó khăn về nhận thức, rèn kỹ năng tự phục vụ. Nhờ sự trợ giúp của các phương tiện dạy học, nhất là những thiết bị công nghệ hiện đại, học sinh được tham gia nhiều hoạt động tương tác theo sự hướng dẫn của giáo viên. Dù ở nhiều dạng tật khác nhau nhưng các em có thể giao tiếp, trao đổi thông tin qua tin nhắn điện thoại, ứng dụng Zalo, Viber, Facebook…

Cô Hồng Hoa cho rằng, dù ở bất kỳ vị trí công việc nào, lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm là hai yêu cầu quan trọng nhất. Đặc biệt, trong vai trò cán bộ quản lý, cô luôn muốn hòa mình vào tập thể, biết cách lắng nghe để cùng chia sẻ, giảm bớt áp lực cho giáo viên, lan tỏa những cách làm hay, mô hình tích cực giúp tập thể vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau đoàn kết và mang lại hiệu quả cao trong công việc.

Năm học 2024-2025, TPHCM có 3.628 học sinh khuyết tật đang theo học tại 79 đơn vị giáo dục đặc biệt, trong đó có 20 đơn vị công lập và 19 đơn vị ngoài công lập, với tổng số 698 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. TPHCM còn có 10.441 học sinh học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông công lập.

Tin cùng chuyên mục