Dạy học bằng đam mê
Là Tổ trưởng chuyên môn tổ Vật lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thầy Nguyễn Như Huy được nhiều đồng nghiệp và học sinh ở trường yêu mến bởi phương pháp giảng dạy “lấy học sinh làm trung tâm”. Khi dạy các em một dạng toán mới, thay vì giới thiệu các bài giải mẫu, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, thầy Huy cho học sinh phân tích, nghiên cứu, đặt thật nhiều câu hỏi tại sao và khuyến khích các em tự tìm ra cách giải.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành sư phạm, người thầy tâm huyết còn tự học thêm bằng thạc sĩ chuyên ngành Vật lý, thường xuyên tìm đọc các nguồn tài liệu tham khảo trên mạng, qua sách báo để làm dày hơn hành trang đứng lớp của mình. Thầy luôn tâm niệm, một khi đã bắt tay vào làm thì phải làm hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Nhận xét về thầy Nguyễn Như Huy, các đồng nghiệp ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi cho biết, thầy Huy là tấm gương sáng về tinh thần tự học với đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, luôn thương yêu học sinh và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận khi nói đến cô Đinh Thị Kim Thúy thường liên tưởng ngay đến các dự án do chính cô xây dựng, như: “Ngày hội doanh nghiệp trẻ”, “Ươm mầm khởi nghiệp” hay những sáng kiến tổ chức cho học sinh lớp 12 tìm hiểu tuyển sinh vào các trường đại học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT… Nhiều năm qua, trong vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô luôn trăn trở làm sao để học sinh mình có đủ hiểu biết lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Cô Thúy chia sẻ, trước đây từng chứng kiến nhiều trường hợp học sinh chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực, sở thích, phải bỏ học hoặc bỏ việc làm giữa chừng, vừa tốn kém thời gian, tiền bạc vừa ảnh hưởng lửa nhiệt huyết và tinh thần của các em. Do đó, cái tâm và ý thức trách nhiệm của người giáo viên buộc cô phải tự mày mò, thực hiện nhiều dự án giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Là một trong những giáo viên đầu tiên của TPHCM đưa nội dung tự động hóa vào giảng dạy ở bậc THPT, thầy Nguyễn Văn Tồn, giáo viên Trường THPT Trần Phú, cho biết xuất phát điểm ban đầu của thầy là giáo viên Vật lý, nhưng vì đam mê đặc biệt với các ứng dụng công nghệ, thầy đã tự mày mò, học thêm bằng cử nhân Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, do ý thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có giáo dục, thầy đã từng bước đưa các nội dung tự động hóa, lập trình robot vào giảng dạy, tạo được hứng thú cho học sinh.
Thầy cho biết, thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, sự đồng hành của phụ huynh và ban giám hiệu. Nhờ sự kiên trì, thầy đã từng bước thắp lên phong trào yêu khoa học công nghệ trong nhà trường, giúp học sinh đạt nhiều giải thưởng cao qua các cuộc thi lập trình robot tổ chức trong và ngoài nước.
Học trò là động lực phấn đấu
Với cô Lý Thị Bích Nhung, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, động lực giúp cô phấn đấu suốt 24 năm theo nghề chính là thành công của học trò. Học trò của cô nay có nhiều người trở thành bác sĩ, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước, có người được tạp chí nước ngoài vinh danh là 1 trong 30 nhân vật nổi bật nhất Việt Nam năm 2016.
“Từng có học sinh đặt cho tôi câu hỏi tại sao mà tôi không trả lời được. Những lúc như vậy, tôi hẹn các em một hôm khác sẽ trả lời đầy đủ. Sau đó về nhà, tôi tự mày mò, đọc thêm nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu để hoàn thành lời hứa với học trò”, cô Nhung cho biết.
Trong danh sách giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay có 2 giáo viên cùng dạy môn Thể dục. Một trong số đó là cô Phan Thị Kim Hoàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực. Chỉ hơn 4 tháng nữa sẽ về hưu nhưng lửa yêu nghề nơi người giáo viên này vẫn không giảm. Nhìn hình ảnh cô “tả xung hữu đột” dạy học sinh các thế võ, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động chuyên môn lẫn phong trào của đơn vị, không ai nghĩ cuộc đời người phụ nữ này đã trải qua rất nhiều biến cố. Nhưng với bản lĩnh vững vàng, cô vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại đơn vị. Ngoài nhiệt tình trong công tác giảng dạy, cô còn nhiều lần trực tiếp tham gia bắt cướp tại địa phương, được tặng bằng khen “người tốt, việc tốt” do UBND phường trao tặng. Ngày nhà giáo năm nay, ngoài việc được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, cô còn vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho ngành giáo dục.
Nhắc đến tên cô giáo Cao Ngọc Phương Trinh, mọi người sẽ nhớ đến hình ảnh “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam, người từng giành rất nhiều huy chương, thành tích vinh quang ở bộ môn Judo về cho Tổ quốc. Nhưng ít ai biết rằng, 18 năm qua, tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng có một nhà giáo Cao Ngọc Phương Trinh đầy tâm huyết, luôn hết mình vì học trò. Sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, cô đã chọn gắn bó với nghề giáo. Trong quá trình giảng dạy, cô phải vừa làm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp, kết hợp tự đào tạo bản thân, mạnh dạn thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy mới. Nhờ đó, giờ học thể dục với cô Trinh lúc nào cũng sôi nổi, nhiều nội dung mới.
Danh sách giáo viên bậc THPT đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có 2 nhà giáo cùng có thâm niên 31 năm công tác là cô Phạm Ngọc Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Sáng và cô Cao Thị Thanh Hương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Với tinh thần trung thực và trách nhiệm, các cô luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp trẻ, có uy tín trong tập thể sư phạm, được đồng nghiệp mến phục, học sinh và phụ huynh tin yêu.