Tuy có hoàn cảnh xuất thân, vị trí công việc khác nhau, nhưng tất cả đều gặp nhau ở sự tận tâm, nhiệt thành, xứng đáng với sự tin yêu của học sinh và phụ huynh.
Người lái đò không đơn độc
Hạnh phúc đối với cô Huỳnh Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), là những tiếng “chào cô” bất chợt ngoài đường, những lần vào bệnh viện hay đi công chứng giấy tờ… Đó là những gương mặt thân quen từng là học trò cũ của mình.
Cô Huỳnh Thị Xuân đón nhận tình cảm yêu mến của học trò
Cô Xuân bày tỏ: “Gần 40 năm lái đò, tôi không nhớ hết cả ngàn tên học sinh. Nhưng mỗi khi gặp lại các em, nay đã là những người trưởng thành, có chút ít địa vị và thành công trong xã hội, được các em nhiệt tình chào đón, tôi thấy mình thật hạnh phúc”.
Trong đó, có người đã noi gương cô bước tiếp nghề giáo, có người chủ động hỏi địa chỉ, đưa cả vợ con đến nhà thăm cô giáo. Đó là động lực giúp người giáo viên ngày đêm cần mẫn trên dòng sông truyền thụ tri thức, sống trọn vẹn với đam mê và công việc mình đang theo đuổi.
Nhiều năm làm công tác quản lý, cô Xuân luôn ý thức được việc xây dựng đội ngũ có tinh thần trách nhiệm, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tiêu cực trong thi cử. Để có một tập thể giáo viên đoàn kết, từng thành viên trong ban giám hiệu phải đồng lòng, tạo mọi điều kiện cho giáo viên phát triển năng lực trên tinh thần công bằng, dân chủ.
Cô Xuân cho biết, bản thân người cán bộ quản lý phải vừa là người bạn gần gũi, sống chan hòa với giáo viên, vừa thể hiện được vai trò thủ lĩnh với tầm nhìn xa trông rộng, biết lên kế hoạch phát triển cho đơn vị để lèo lái con thuyền giáo dục cập bến thành công.
Trưởng thành từ những gian khó
Sinh ra và lớn lên ở một quận thuộc trung tâm TPHCM, chàng thanh niên “nội thành rặt” vẫn có đủ bản lĩnh vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách ở vùng đất Củ Chi với 9 năm bám trường, bám lớp.
Đó là chân dung về thầy Nguyễn Văn Hòa, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Vừa tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công về công tác tại Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi).
Thầy Nguyễn Văn Hòa vẫn miệt mài với công việc
Từ việc phải ở nhà tập thể, mỗi tuần chỉ được về thăm nhà một lần, nhịn tất cả bữa ăn sáng, còn ăn trưa thì đạm bạc với cơm trộn bo bo, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, đến những ngày lấm lem cùng học trò trồng lúa, khoai mì, nhặt đậu phộng trên nông trường.
Chính những trải nghiệm đáng quý đó đã giúp người giáo viên nhận ra ý nghĩa lớn lao hơn của cuộc sống, biết sống vì mọi người và trân quý từng sự san sẻ giữa người với nhau trong cuộc sống.
Đến nay, thành công và hạnh phúc của thầy là được nhìn thấy bao thế hệ học trò khôn lớn từ những bài giảng của mình, đôi khi có cả mồ hôi và những giọt nước mắt.
Thầy Hòa kể từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh học trò phải gác lại giấc mơ đèn sách vì gánh nặng mưu sinh. Nhiều trường hợp thầy đã động viên, giúp đỡ học sinh để các em viết tiếp giấc mơ con chữ. Song cũng có trường hợp sau rất nhiều cố gắng, thầy bất lực nhìn học trò của mình mất hút giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống.
Vì vậy hiện nay, khi được chuyển về một môi trường công tác tốt hơn, học sinh có điều kiện kinh tế khá hơn, thầy vẫn luôn trăn trở việc đào tạo kỹ năng sống cho các em, trở thành những người năng động, tự tin, biết làm chủ cuộc sống của mình.
Người truyền cảm hứng cho học trò
Sinh ra để được làm cô giáo là cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện với cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên Anh văn Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh). Từ nhỏ, sau mỗi buổi học trên trường, cô học trò nhỏ lại đứng trước bảng đen ở nhà, tự đóng vai là một cô giáo giảng lại bài cho mình hiểu.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, cùng lúc thi đậu vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Sư phạm TPHCM, Xuân Oanh đã chọn theo nghề giáo để thỏa ước mơ thuở nhỏ.
Cô Xuân Oanh cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Anh văn
Cô kể, ngày đầu đứng trên bục giảng, cũng như bao đồng nghiệp khác, bỡ ngỡ và lo lắng là điều không tránh khỏi. Nhưng chính tình cảm, sự gần gũi dễ thương của học trò đã giúp cô giáo trẻ vững tin hơn vào con đường đã chọn.
Khi được Sở GD-ĐT phân công về công tác tại Trường THCS Lê Văn Tám, tình yêu nghề, sự thăng hoa trong công việc càng tăng lên gấp bội. Trải qua 13 năm công tác, cô luôn đầu tư nghiêm túc cho công việc, chưa bao giờ cho mình một phút lơ là.
Đến nay, dù đã nhận rất nhiều danh hiệu, thành tích thi đua khiến nhiều người mơ ước, nhưng cô giáo trẻ vẫn luôn ý thức được sự cần thiết của việc không ngừng tự học, tìm đọc thêm các đầu sách trong và ngoài nước để phát triển chuyên môn.
Cô luôn tâm niệm, người giáo viên ngoài việc truyền thụ kiến thức còn là người truyền cảm hứng cho học trò, giúp các em nuôi dưỡng và phát triển đam mê, hoàn thiện nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội.
Nói về cô, tất cả học sinh, đồng nghiệp ở Trường THCS Lê Văn Tám đều có chung nhận xét “cô Oanh là cỗ máy hoạt động không biết mệt mỏi”. Cô hiện là Tổ trưởng môn Anh văn của trường, vừa nhận nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, vừa là giáo viên mạng lưới bộ môn Anh văn của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, thành viên ban giám khảo của nhiều hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận và TP.
Cô cho biết, thành công của học trò, sự tin yêu, tín nhiệm của phụ huynh là hai liều thuốc cổ vũ tinh thần to lớn, giúp người giáo viên cháy hết mình với sự nghiệp trồng người.
Thắp lên ngọn lửa đam mê
Là người có tuổi đời lớn nhất trong số những giáo viên THPT được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy Nguyễn Duy Hiếu, giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết nghề giáo là ước vọng từ nhỏ của anh trai.
Khi người anh hy sinh ở chiến trường, thầy đã quyết định thay anh viết tiếp giấc mơ còn dang dở. 37 năm đứng trên bục giảng, đã có biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ những bài giảng của thầy.
Nhận xét về người đồng nghiệp lớn tuổi, tất cả giáo viên trong trường đều cho biết thầy Hiếu là tấm gương sáng về sự tận tâm, lòng yêu nghề, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động chuyên môn với phong cách làm việc khoa học, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm.
Thầy Nguyễn Duy Hiếu luôn là “người bạn lớn” đồng hành học sinh
Đặc biệt, trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh của thầy đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào như 2 giải nhì, 2 giải ba, 8 giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; 82 giải nhất, 63 giải nhì, 104 giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, rất nhiều huy chương vàng, bạc kỳ thi Olympic 30-4 cấp thành phố…
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Hiếu cho biết: “Những khi mệt mỏi hay áp lực trong công việc, tôi luôn động viên mình cố gắng hơn một chút, không được chán nản hay bỏ cuộc.
Bởi người thầy ngoài trách nhiệm gần gũi, yêu thương học sinh còn là điểm tựa tinh thần to lớn, là người phát hiện năng khiếu, thắp lên ngọn lửa đam mê và dìu dắt các em bước qua những ghềnh đá, chông chênh của cuộc đời để học cách trưởng thành”.
Danh sách cán bộ quản lý, giáo viên THCS và THPT nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017
1. Cô Huỳnh Thị Xuân (1962), Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)
2. Thầy Nguyễn Văn Hòa (1958), Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình
3. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh (1963), giáo viên môn Sinh, Trường THCS Minh Đức (quận 1)
4. Thầy Đổng Cơ (1959), giáo viên môn Vật lý, Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3)
5. Cô Trần Nguyệt Trinh (1964), giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Lam Sơn (quận 6).
6. Cô Võ Thị Kim Lệ (1963), giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)
7. Cô Phạm Thị Xuân Oanh (1982), giáo viên môn Anh văn, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh)
8. Cô Mai Thị Mỹ Hạnh (1963), giáo viên môn Toán, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10)
9. Cô Hoàng Thị Ngọc Diệp (1963), giáo viên môn Mỹ thuật, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình)
10. Cô Nguyễn Thị Thu Hồng (1969), giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền
11. Cô Phạm Duy Phượng Chi (1965), giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi
12. Thầy Ngô Văn Thiệu (1960), giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân
13. Cô Dương Ngọc Yến (1975), giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trường Chinh
14. Thầy Nguyễn Duy Hiếu (1958), giáo viên môn Toán, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
15. Thầy Phan Thành Sơn (1963), giáo viên thể dục, Trường THPT Bình Khánh