1. Hơn 27 năm đứng lớp, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/4 Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), không còn nhớ có bao nhiêu học sinh đã được cô dìu dắt. Cô như người lái đò, miệt mài đưa những thế hệ học trò nối tiếp nhau tìm hiểu, chinh phục chân trời tri thức. Tuy vậy, điều ấn tượng của cô đối với đồng nghiệp, học sinh ngoài sự tâm huyết, tình yêu thương con trẻ, còn chính là năng lực và tinh thần trách nhiệm.
Cô Nguyễn Thị Phượng, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu)
Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, cô Nguyễn Thị Phượng đã 9 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó 2 lần nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (2012, 2016). Năm học 2014-2015, cô vinh dự được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giảng dạy. Cụ thể, đã có sản phẩm E-learning đoạt giải ba cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn Toán liên tục đoạt giải các cấp. Ngoài ra, có nhiều sáng kiến hay tại những hội thi đồ dùng dạy học cấp trường, quận, thành phố hàng năm. Nổi bật, có thể kể đến giải B cấp quận, giải A cấp thành phố hội thi “Đồ dùng dạy học” năm học 2013-2014; được Sở GD-ĐT Đà Nẵng công nhận và trao giải A về đề tài sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố…
Được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017 là niềm tự hào lớn lao mà cô không dám nghĩ mình sẽ có được. Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, chia sẻ rằng dù rất xúc động và vui sướng khi nghe giáo viên trường đoạt giải, nhưng ông không bất ngờ, đó chính là sự ghi nhận công sức mà cô Phượng xứng đáng được nhận về những nỗ lực phấn đấu của mình bao năm qua. “Ban đầu, khi trường đề nghị tham gia giải thưởng, cô Phượng đã từ chối vì nghĩ thành phố còn có rất nhiều giáo viên khác tài giỏi, tâm huyết hơn; nhưng tôi tin cô Phượng xứng đáng, vì nhà trường nhìn thấy ở cô sự nỗ lực phấn đấu kiên trì, liên tục trong nghề”, thầy Hỷ nói. 2. Với cô Võ Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng chuyên môn Tổ 4, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà), hơn 32 năm giảng dạy, cô luôn cảm thấy thật may mắn khi nghề đã chọn mình. Theo cô, nghề sư phạm, đầu tiên chính là dạy học sinh đạo đức làm người, sau mới đến kiến thức văn hóa. Việc tiếp xúc với học sinh luôn mang đến cho cô cảm giác dễ chịu, điều đó đã giúp cô yêu nghề và tự hào hơn với nghề.
Cô Võ Thị Ngọc Dung, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Sơn Trà)
“Mỗi sáng đến lớp nhìn từng khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của các em, cảm xúc trong tôi thật lạ, rất bình yên, để rồi nguyện hứa với lòng sẽ luôn làm tốt công việc giảng dạy, vì các em chính là động lực để tôi phấn đấu trong suốt hành trình của cuộc đời mình”, cô Dung tâm sự. 11 năm liền cô Võ Thị Ngọc Dung đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó nhiều sáng kiến kinh nghiệm thiết thực đoạt giải cao của trường và của quận. Năm học 2014-2015, cô giáo Võ Thị Ngọc Dung được UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
3. Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên niềm đam mê đứng lớp đã ăn sâu vào trong máu của cô Võ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà). 21 năm giảng dạy với bao hạnh phúc cùng nỗi niềm đau đáu, khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của học sinh, cô luôn day dứt. Cô đã cùng những giáo viên của trường lo cho các em từng cây bút, quyển vở, kể cả kèm cặp thật kỹ để mỗi em đều có thể yên tâm học và theo kịp bạn bè. Nhiều thế hệ học sinh dù đã ra trường đi làm nhưng vẫn nhớ và đến thăm cô mỗi khi có dịp.
Cô Võ Thị Lệ Hằng, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà)
Tuy vậy, điều tự hào nhất của cô chính là những thành tích đạt được trong sự nghiệp trồng người của mình. 21 năm theo nghề thì 17 năm cô được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Có thể kể đến như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục các năm từ 2012 đến 2016; giải ba hội thi “Đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế” cấp quận; bằng khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền 2012-2016” của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014-2015 và năm học 2015-2016” của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; cùng nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học khác. Với cô, nếu lựa chọn lại cũng sẽ chọn nghề giáo vì đó là niềm vui lớn nhất của đời mình, dù về kinh tế không thể bằng các ngành nghề khác.
Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, khẳng định mục tiêu xuyên suốt của nhà trường chính là hướng đến quyền lợi của học sinh và sự yên tâm cho phụ huynh. Trong đó, việc xây dựng môi trường học tập tốt nhất, bình yên nhất cho trẻ là mục đích để tất cả giáo viên hướng đến. Trường Tiểu học Ngô Gia Tự là một trong số ít trường trên địa bàn thành phố 2 năm liên tục có giáo viên đoạt Giải thưởng Võ Trường Toản. “Cô Hằng cũng như tất cả giáo viên trường luôn là niềm tự hào của tôi và của trường”, cô Bình bày tỏ.4. Trong số 6 giáo viên ở TP Đà Nẵng nhận Giải thưởng Võ Trường Toản của Báo SGGP lần này, thầy giáo Đỗ Viết Duy Vũ, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê), là một cái tên đặc biệt. Là giáo viên âm nhạc, với niềm đam mê và sự khát khao mang cái đẹp đến tâm hồn con trẻ, thầy Vũ như con ong chăm chỉ, miệt mài truyền đạt những kiến thức âm nhạc không chỉ đến học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn mà còn của nhiều trường trên địa bàn thành phố. Thầy là một trong những người đầu tiên được Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng giao soạn chương trình giảng dạy piano cho các trường tiểu học tại TP Đà Nẵng.
Thầy giáo dạy nhạc Đỗ Viết Duy Vũ, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê)
Không chỉ đứng lớp, thầy còn tham gia những cuộc thi piano toàn quốc và đoạt nhiều giải cao. Theo thầy Vũ, việc định hướng thị hiếu âm nhạc cho học sinh rất quan trọng, nhất là hiện nay, khi việc tiếp cận các bài hát có ca từ không “đẹp”, không phù hợp, giai điệu có tính kích động xuất hiện nhiều trong giới trẻ. “Âm nhạc trong trường tiểu học trước hết là một môn nghệ thuật, nhằm giải quyết căng thẳng cho các em sau những tiết học. Do vậy, tôi luôn cố gắng truyền đạt cho các em niềm đam mê và biết cảm thụ âm nhạc”, thầy Vũ nói.
Tính đến nay, thầy Vũ đã 11 lần được bình chọn Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 lần được tặng danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, cùng nhiều bằng khen, giấy khen cấp thành phố và cấp quận. Nổi bật là 2 giải xuất sắc và nhất cấp quốc gia về đàn piano, 2 lần đoạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; bằng khen của Bộ GD-ĐT; bằng khen của Chủ tịch UBND Đà Nẵng về phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.
5. So với những tấm gương được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản khối tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đợt này, 2 cô giáo Phạm Thị Thanh Châu, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) và cô Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn - Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn), dù thành tích khiêm tốn hơn nhưng không phải vì thế mà kém ấn tượng. Nếu như cô Phạm Thị Thanh Châu sau 17 năm đứng lớp, 5 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; giải ba Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố; giải A cuộc thi Đồ dùng dạy học cấp thành phố với đề tài “Mô hình cơ thể người dạy tự nhiên và xã hội lớp 1, 2, 3 và khoa học lớp 4”…, thì cô Nguyễn Thị Hạnh cũng sở hữu bảng thành tích không kém. Hơn 22 năm đứng lớp, cô đã 16 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và 16 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp quận; 3 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, còn đoạt hàng loạt danh hiệu, giải thưởng về sáng kiến kinh nghiệm trong các Ngày hội Olympic và Ngày hội học sinh tiểu học cấp quận, Sở GD-ĐT và thành phố Đà Nẵng.
Cô Phạm Thị Thanh Châu, Trường Tiểu học Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ)
Cô Nguyễn Thị Hạnh, Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn)
6 thầy cô khối tiểu học được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần 2 năm 2017 tại TP Đà Nẵng chỉ là con số khiêm tốn trong hàng chục ngàn giáo viên trên địa bàn thành phố đang hàng ngày miệt mài đứng lớp. Giải thưởng là nguồn động viên tinh thần to lớn nhằm tôn vinh những đóng góp của các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục để tiếp tục cuộc hành trình trồng người, ươm mầm các thế hệ tương lai cho đất nước