Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022: Vững vàng vai trò “thuyền trưởng”

Bên cạnh việc tôn vinh thầy, cô giáo trực tiếp đứng lớp, Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay tiếp tục vinh danh một số cán bộ quản lý đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Dù có tuổi nghề và môi trường công tác khác nhau nhưng các nhà giáo đều gặp nhau ở tinh thần tận tụy, hết mình đóng góp vào sự thành công chung của đơn vị.  
Cô Nguyễn Mai Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành (quận 1) với các em học sinh
Cô Nguyễn Mai Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành (quận 1) với các em học sinh

Quan tâm đội ngũ giáo viên

Năm 2022 - tròn 25 năm cô Nguyễn Mai Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bến Thành (quận 1) gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Dù ở cương vị giáo viên hay cán bộ quản lý, cô luôn tâm niệm, đứng trước khó khăn, chỉ cần kiên trì mọi chuyện đều có cách giải quyết. Với niềm tin đó, cô đã trao cơ hội cho học sinh và giáo viên thể hiện bản thân, giao nhiệm vụ dựa trên ưu điểm, thế mạnh của từng người. Đơn cử, khi trường lên kế hoạch trang trí tường, giáo viên ngại không đủ sức. Nhờ sự động viên của hiệu trưởng, toàn bộ tường trong khuôn viên trường đều được thay áo mới với những hình vẽ ngộ nghĩnh qua bàn tay tài hoa của các giáo viên, qua đó tạo không gian học tập gần gũi, sinh động, tăng hứng thú cho học sinh. Điều cô Mai Hằng tâm đắc nhất sau nhiều năm gắn bó với ngôi trường đang công tác là diện tích khuôn viên không quá lớn nhưng nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia, tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế.

Để động viên tinh thần đội ngũ, giữ chân giáo viên, cô Mai Hằng luôn ý thức tạo ra môi trường làm việc thoải mái, duy trì chế độ khen thưởng kịp thời như thưởng định kỳ, thưởng “nóng”. Bên cạnh đó, để tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong tập thể, ban giám hiệu phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, duy trì thói quen giao tiếp tốt giữa phụ huynh và giáo viên, phát huy tối đa nội lực của từng thầy, cô giáo.  

Với cô Võ Thị Thương Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), trong công tác quản lý, “thuyền trưởng” phải luôn đồng hành, đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh giáo viên để xử lý công việc. “Không có con thuyền nào nhanh về đích chỉ với một người chèo mà cần sự phân công lao động, phối hợp giữa các thành viên trong một tập thể”, cô Huyền bày tỏ. Tháng 12-2022, cô Huyền chính thức nhận quyết định nghỉ hưu. Nhìn lại chặng đường 32 năm làm nghề, cô Huyền cho biết rất tự hào về những ngày tháng cùng ăn, cùng ngủ, cùng tham gia thi văn nghệ với các giáo viên trong trường. 

Trường học cũng là nhà

Có mặt tại Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là màu xanh trải dài từ thảm cỏ, hồ cá sát cổng trường, không khí yên bình của những ao sen đến cảm giác thư thái khi bước chân vào thư viện mở với tên gọi “Thư quán Hà Huy Tập”. Người đưa ý tưởng kiến tạo không gian đó là cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường. Chia sẻ với chúng tôi, cô Trâm cho biết, Tết Nguyên đán năm 2019, xuất phát từ ý tưởng ban đầu là dựng tiểu cảnh mừng xuân cho học sinh tham quan, chụp ảnh, các giáo viên trong trường đã chung tay dựng nhà tranh, cầu khỉ, trải bạt làm ruộng lúa, tái hiện không gian làng quê mộc mạc, bình dị. Mùa tết đi qua, tiếc công các thầy cô gầy dựng, cô hiệu trưởng nhờ người gia cố lại cho chắc chắn, tận dụng làm thư viện mở cho học sinh có thêm khuôn viên đọc sách. Ngôi trường có dáng vẻ cũ kỹ hơn 60 năm tuổi khoác lên mình tấm áo mới, giúp giáo viên và học sinh yêu thích hơn mỗi ngày đến trường.

Danh sách cán bộ quản lý được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các thầy, cô:


- Nguyễn Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5).

- Lê Thị Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh (TP Thủ Đức).

- Dương Hoài Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (quận 6).

- Vũ Phạm Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11).

Trường THCS Hà Huy Tập có 104 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng chỉ có 2 thành viên ban giám hiệu, song nề nếp kỷ luật luôn được duy trì nhờ sự làm gương của người đứng đầu đơn vị. Từ những việc nhỏ như có mặt đúng giờ trước các buổi họp, duy trì thói quen nói “cảm ơn” và “xin lỗi” khi giao tiếp, cẩn trọng trong từng tin nhắn gửi đến giáo viên và phụ huynh, làm sao vừa chuyển tải đầy đủ nội dung yêu cầu vừa có sự thông cảm, không tạo tâm lý băn khoăn trong đội ngũ, cô hiệu trưởng đã xây dựng nên một tập thể đồng lòng, làm việc trên tinh thần yêu thương và tôn trọng. 

Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Phụ trách chuyên môn một ngôi trường có tuổi đời non trẻ, cô Văn Thị Đông Xuân, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), cho biết, điểm đầu vào tuyển sinh lớp 10 của trường không cao như một số đơn vị khác trên địa bàn, do đó, trong từng hoạt động, ban giám hiệu luôn nỗ lực động viên tinh thần đội ngũ. Với đối tượng học sinh yếu, nhằm giúp không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhiều năm qua, trường đã duy trì tổ chức lớp phụ đạo miễn phí. Mỗi tuần 3 buổi, học sinh được giáo viên bộ môn ôn tập kiến thức, rèn thêm các dạng bài tập để có kết quả học tập tốt hơn. Riêng với việc bồi dưỡng học sinh giỏi, từ ban giám hiệu đến giáo viên đều đồng hành. “Hàng năm, những ngày các em đi thi học sinh giỏi, tôi đều chờ sẵn trước cổng trường thi để động viên, phát bánh mì, sữa; ôm và chúc các em làm bài thi tốt”, cô Đông Xuân cho biết. Năm học nào, trường cũng tạo điều kiện để học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, qua đó giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm như phản biện, thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm…

Cô Đông Xuân cho biết, cán bộ quản lý phải thường xuyên gần gũi, nắm hiểu tâm tư, tình cảm để hỗ trợ giáo viên cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, qua đó giúp các thầy, cô yên tâm công tác. Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới về tư duy và phương pháp giảng dạy, đòi hỏi giáo viên tăng cường liên hệ kiến thức môn học với vận dụng thực tế, phát huy vai trò chủ động, tự học, tự nghiên cứu của hoc sinh. Thấu hiểu điều đó, năm học này, Trường THPT Trần Văn Giàu đã nỗ lực trang bị máy chiếu cho toàn bộ phòng học của học sinh khối 10 nhằm tạo thuận lợi cho giáo viên triển khai phương pháp dạy học tích cực, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.

Giao lưu 75 nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản



Ngày 18-11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chương trình giao lưu gặp gỡ 25 nhà giáo tiêu biểu của chặng đường 25 năm Giải thưởng Võ Trường Toản và 50 nhà giáo vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022. Phát biểu tại buổi giao lưu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, bên cạnh đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, trường học còn có các nhân viên như bảo vệ, văn thư, thư viện, y tế - những người thầm lặng hỗ trợ công tác giáo dục, giúp tạo ra môi trường học tập an toàn, hiệu quả cho học sinh. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn công đoàn các trường học quan tâm, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời tất cả thành viên trong đơn vị nhằm tiếp thêm động lực, giúp đội ngũ yên tâm công tác. 

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Nhà giáo ưu tú Bùi Trí Hiệp, một trong những nhà giáo được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018, cho rằng, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu nhập cho giáo viên nhưng để các thầy, cô gắn bó với nghề cần thêm nhiều sự quan tâm của xã hội. 

Giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhằm tôn vinh các cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua 25 mùa giải tổ chức, đã có 826 cán bộ quản lý, giáo viên được xét chọn, trao giải. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, đánh giá, từ sự tôn vinh, giải thưởng Võ Trường Toản đã trở thành phong trào thi đua trong toàn ngành, được xã hội công nhận, góp phần động viên, tiếp sức các thầy, cô tiếp tục cống hiến với nghề. 

                                                                   THU TÂM

Tin cùng chuyên mục