Tôn vinh những “cánh chim đầu đàn”
Tháng 6-1998, nhà báo Nghiêm Minh, nguyên Trưởng Ban Chương trình xã hội (Báo SGGP) đề xuất ý tưởng về một giải thưởng nhằm tôn vinh đóng góp thầm lặng của đội ngũ các thầy, cô giáo. Ý tưởng này được Ban Biên tập Báo SGGP ủng hộ và nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đồng lòng chia sẻ.
Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM từ đó đồng hành phối hợp tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản nhằm tri ân sự cống hiến của các nhà giáo. Bắt đầu từ năm học 1998-1999, Giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức hàng năm với quy mô cấp thành phố, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Mùa giải đầu tiên tổ chức, Giải thưởng Võ Trường Toản đã tuyên dương 15 giáo viên công tác tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Bước sang năm thứ 2, giải thưởng mở rộng thêm cấp học mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên. Số lượng giáo viên được vinh danh tăng dần qua các năm, và chạm mốc 30 thầy cô giáo trong 10 năm sau đó.
Từ năm 2015, Ban tổ chức mở rộng thêm đối tượng là cán bộ quản lý, những nhà giáo đã trải qua nhiều năm trực tiếp đứng lớp, tiếp tục cống hiến trong cương vị mới là cán bộ quản lý tại các đơn vị trường học.
Đặc biệt, trong hai năm 2016, 2017, giải thưởng mở rộng quy mô tổ chức tại hai thành phố lớn là TPHCM và TP Đà Nẵng. Từ năm 2018 đến nay, giải thưởng giữ ổn định số lượng 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý đang công tác tại các trường học trên địa bàn TPHCM được tôn vinh hàng năm.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, quá trình xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức qua nhiều khâu, không nặng về tiêu chí thi đua, không chạy theo thành tích mà xem xét trên cơ sở người giáo viên có uy tín với tập thể sư phạm nhà trường, nhận được sự tin yêu và tín nhiệm của học sinh, kính trọng của phụ huynh, đồng thời lan tỏa những giá trị làm nghề tích cực.
Hàng năm, các thầy, cô giáo được Hội đồng xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản thống nhất trao giải đều là những “cánh chim đầu đàn” lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng, luôn nhiệt huyết, tận tâm với nghề, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ giáo viên noi theo.
Tỏa sáng những tấm lòng bình dị
Năm 2021, cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 13 (quận Bình Thạnh) được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản.
Khi được hỏi về những cống hiến của bản thân, cô không nói về mình mà dành nhiều tình cảm cho những đồng nghiệp chung vai sát cánh tại trường. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trường được trưng dụng làm khu cách ly F0, 3 nhân viên của trường được “cho mượn” làm nhiệm vụ tại khu cách ly. “Hơn 3 tháng các anh làm nhiệm vụ là ngần ấy thời gian tôi mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Ngày trường được bàn giao lại cho đơn vị, cả 3 người đều bình an khiến tôi bật khóc như một đứa trẻ”, cô Hoa nhớ lại.
Cùng năm 2021, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), là một trong 50 nhà giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản. Với suy nghĩ “Cứ mạnh dạn bước đi, đường sẽ mở lối dưới chân mình”, cô Bùi Minh Tâm đã cùng tập thể sư phạm thay da, đổi thịt cho ngôi trường từng là trường bán công, điểm chuẩn đầu vào lớp 10 thấp nhất thành phố trở thành đơn vị có chất lượng xét tuyển đầu vào ngang bằng các trường THPT khác trên địa bàn quận 1.
Chúng tôi gặp lại cô giáo Huỳnh Thị Kim Kiều, giáo viên Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè), một trong những giáo viên được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22 - năm 2019. Vẫn hình ảnh bình dị như cách đây 3 năm, người phụ nữ mạnh mẽ, giàu nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống cá nhân, vừa là trụ cột kinh tế gia đình vừa gồng gánh việc trường lớp, nuôi dạy hai con nhỏ. “Tôi quan niệm cuộc đời chỉ một lần được sống nên hãy sống bằng tất cả nghị lực của mình. Ai cũng có một thời tuổi trẻ và đó là giai đoạn đẹp nhất để cống hiến”, cô Kim Kiều lạc quan cho biết.
Riêng với cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cán bộ quản lý được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 20 - năm 2017, nghề giáo đã giúp cô học được cách yêu thương, biết trân quý từng hoàn cảnh và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, nhiều học sinh đã noi gương cô bước tiếp theo nghề giáo. Có học trò cũ đưa cả con trai đến nhà thăm cô với lời thưa: “Cô ơi, con đã không lạc lối. Yên tâm về con, cô nhé”. Chừng ấy thôi nhưng là hạnh phúc to lớn đối với người thầy, khi những lo lắng, trăn trở năm xưa giờ đã ra trái ngọt.
Nhiều giáo viên từng được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản bộc bạch, nghề giáo tuy không mang lại sự giàu sang nhưng bù đắp cho họ những giá trị tinh thần vô giá. Đó là sự trở về, dấn thân của nhiều thế hệ học sinh giỏi tự nguyện ghi danh vào ngành sư phạm, tiếp bước thầy, cô của mình thắp lên ngọn lửa cống hiến.
Trong suốt hành trình khai sáng tri thức, các thầy, cô giáo luôn chọn lối sống chuẩn mực, chỉn chu về đạo đức, tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều thầy, cô giáo đến nay không còn đứng trên bục giảng nhưng câu chuyện về lòng yêu nghề, tinh thần sống tích cực vẫn truyền lại cho nhiều thế hệ học sinh, trở thành đóa hoa mãi ngát hương giữa cuộc đời.
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Chất lượng giáo dục không chỉ đo đếm qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT mà đạt được từ niềm vui, sự yêu thích đến trường của trẻ từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông. Mỗi bậc học đều chứa đựng những khó khăn, vất vả nhưng các thầy, cô giáo đã chung tay gieo trồng nên những thế hệ học sinh có đầy đủ đức - trí - tài, góp phần xây dựng đất nước. * Ông TĂNG HỮU PHONG, Tổng Biên tập Báo SGGP: Trong 40 năm qua, cùng với sự lớn lên của ngành giáo dục Việt Nam, của TPHCM, có sự đóng góp của Báo SGGP thông qua giải thưởng Võ Trường Toản. Bước vào năm thứ 25, với bề dày lịch sử ngần ấy năm, tự thân giải thưởng đã có đủ lý do để tồn tại. Giải thưởng không chỉ nhận được sự mong đợi của quý thầy cô mà còn có sự quan tâm, ủng hộ của xã hội. Đây là dịp tôn vinh quý thầy cô và thông qua đó mong muốn sẽ có nhiều gương mặt nhà giáo xuất sắc hơn nữa đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục và xã hội nói chung. Báo SGGP dành một tình cảm đặc biệt cho ngành giáo dục và thầy cô giáo. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trong sự phát triển chung của tờ báo. |