Hạnh phúc của sự cho đi
Nghề giáo đến với chàng trai trẻ Lê Vĩnh Phúc như một cơ duyên tình cờ. Năm học lớp 12, gia đình gợi ý cho anh theo nghề giáo vì bản tính hiền lành, ôn hòa rất phù hợp với nghề này. Trải qua 17 năm đứng trên bục giảng, chàng trai trẻ năm nào nay đã là “người cha” của 24 học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1).
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Phúc cho biết, hạn chế lớn nhất của bản thân là chưa có sự dịu dàng, mềm mại như các cô giáo. Nhưng bằng tình thương học trò và ý thức về tinh thần trách nhiệm, thầy đã dành nhiều thời gian rèn cho mình thói quen kiên nhẫn. Hàng ngày khi lên lớp, thầy Phúc không ngại “xắn tay áo” vào cột tóc, xoa đầu để tạo tình cảm gần gũi, thân thiết với học trò như một người cha thật sự trong gia đình.
Kể về những cột mốc đáng nhớ trong quãng đời đi dạy, thầy Phúc cho biết, ròng rã suốt 9 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy giáo trẻ làm bạn với chiếc xe đạp ngày nào cũng “lộc cà lộc cộc” từ quận 1 xuống dạy học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trực (huyện Nhà Bè). 9 năm vất vả nhưng tràn đầy kỷ niệm, niềm vui đôi khi chỉ đơn giản là bịch mía, hộp khoai mì thầy trò cùng nhau chia vội vì học sinh đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Có những lúc thầy cô cùng ăn, cùng ngủ với học trò như những như người cha, người mẹ thứ hai trong gia đình.
Khi chuyển công tác về Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1), khó khăn về cơ sở vật chất không còn nhưng thay vào đó là nỗi lo học trò thiếu kỹ năng sống, cả ngày các em chỉ biết cắm đầu vào việc học, do được ba mẹ cưng chiều và kỳ vọng quá mức. “Tôi quan niệm người thầy khi đến lớp không chỉ dạy kiến thức mà còn rèn kỹ năng sống cho học sinh. 17 năm đi qua là hành trình không ngắn nhưng chưa đủ dài cho những ấp ủ, dự định còn muốn làm vì sự tiến bộ cả về kiến thức lẫn tâm hồn cho học trò”, thầy giáo trẻ bày tỏ.
Ngoài thầy Lê Vĩnh Phúc, danh sách giáo viên tiểu học đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn một thầy giáo khác là thầy Hoàng Đức Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3). Không chỉ là một giáo viên giỏi luôn đi đầu trong các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, thầy Hoàng Đức Thanh còn là chủ tịch công đoàn năng nổ. Hàng năm, công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn đều thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng quà nạn nhân chất độc da cam, xây cầu cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa; xây nhà cho hộ nghèo trú đóng trên địa bàn phường...
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Thanh cho biết: “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”. Phần thưởng đối với nghề giáo không phải là sau này khi trưởng thành học sinh có thể nhớ tên hoặc quay về đền đáp công ơn các thầy, cô giáo mà trên bước đường thành công và trưởng thành của các em có nụ cười, mồ hôi, cả những giọt nước mắt của những người thầy lặng thầm phía sau, gửi gắm hy vọng nơi các em. “Người lái đò” đang ngồi trước mặt chúng tôi gọi đó là hạnh phúc, thứ hạnh phúc bình dị nhận được từ sự cho đi mà không phải nghề nào cũng có được.
Linh hoạt phương pháp giảng dạy
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với cô Ngô Thị Tú Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (huyện Hóc Môn), là một giáo viên trẻ tràn đầy năng lượng. Cô Tú Trinh cho biết, nhà ở huyện Hóc Môn nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô được phân công làm giáo viên tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Tân Phú). Cần mẫn suốt 14 năm không quản mưa nắng, cô giáo trẻ chưa một ngày đến lớp muộn. Năm 2014, cô được chuyển công tác về gần nhà. Dù ở môi trường công tác nào cô đều xem học trò như con ruột của mình. Cô tâm sự, gia đình hiện đại ngày nay đa phần đều có 1 - 2 con nên ở nhà các em được ba mẹ cưng chiều, thương yêu hết mực. Vì vậy khi vào lớp, học sinh cũng có nhu cầu được giáo viên gần gũi, quan tâm, chăm sóc.
Đặc biệt đối với học sinh lớp 1 với những bỡ ngỡ khi vừa chuyển cấp học từ mầm non lên tiểu học, năm nay cả nước lại triển khai chương trình phổ thông mới nên đòi hỏi người giáo viên phải chăm chút nhiều hơn cho quá trình tiến bộ của các con. Cô giáo trẻ cho biết, chương trình mới không đặt mục tiêu giáo dục bắt buộc đối với mỗi tuần học, mà yêu cầu chuẩn năng lực đầu ra của học sinh vào cuối năm, nên trong từng tiết dạy, cô đều tạo không khí lớp học thoải mái nhất, không tạo áp lực cho các con. Ở lớp, bạn nào giỏi được cô biểu dương, khen thưởng; bạn nào còn nhận diện số đếm sai, môn tiếng Việt chưa nhớ hết mặt chữ đều được cô động viên, khích lệ. Nhờ vậy, lớp học của cô giáo Trinh lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.
Trong khi đó, đến lớp học của cô Nguyễn Thị Đan Thùy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Bình Thạnh) vào giờ học môn Tự nhiên xã hội, người viết cảm nhận được sự tự tin, mạnh dạn giơ tay phát biểu và tranh luận khá sôi nổi của học trò.
Cô Đan Thùy cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 tuy mới triển khai ở lớp 1, nhưng cô đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các bộ môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội để dần hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh. Có được thành công của ngày hôm nay, người phụ nữ có dáng người cao, gầy cho biết, điểm số tốt nghiệp khá cao ở trường sư phạm thôi chưa đủ, mà trong quá trình đứng lớp, người giáo viên phải chịu khó, liên tục học hỏi thêm từ đồng nghiệp, phụ huynh và qua chính… học trò của mình.
Trải lòng với chúng tôi, cô Thùy cho biết, nghề giáo được xem là nghề “làm dâu trăm họ”, dễ bị hiểu lầm, đánh giá này nọ. Trước những trường hợp đó, cô không giải thích mà chọn cách thể hiện bằng hành động, lấy sự tiến bộ của học trò làm động lực cho bản thân phấn đấu, đồng thời cũng giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về tấm lòng cô giáo.
Danh sách giáo viên được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay ở bậc tiểu học còn có các cô Nguyễn Thị Loan Anh, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương (quận 6); Vương Lâm Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận); Ngô Kim Phụng, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5); Võ Ngọc Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Túc (huyện Bình Chánh) và cô Phan Thị Ngân Hàng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (quận 2). |