Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ nhất tuyên dương 15 giáo viên trong phạm vi các trường tiểu học, THCS và THPT. Từ lần thứ 2, giải mở rộng đến các cấp học khác, có thêm khối mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên. Số lượng giáo viên được vinh danh cũng tăng lên 19 rồi 24, 26 và chọn mốc 30 người trong 10 năm sau đó. Trong 18 năm từ 1998 đến 2015, giải chỉ tập trung vào đối tượng giáo viên có nhiều năm cống hiến, tâm huyết với nghề. Đến năm 2015, Ban tổ chức giải quyết định mở rộng, ghi nhận và tôn vinh các cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở, những người đã kinh qua nhiều năm trực tiếp đứng lớp, thể hiện tốt vai trò, năng lực, trách nhiệm đối với nhiệm vụ cá nhân, với công tác chung của tập thể và được tin cậy giao trách nhiệm quản lý, lãnh đạo trong nhà trường. Từ đó đến nay, giải ổn định số lượng 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý được tôn vinh hàng năm.
Ở mọi thời đại, dù ở vị trí công việc nào, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn nại, bền bỉ và bằng cả cái tâm trong sáng.
Cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Hy vọng (Quận 6), vốn học sư phạm để trở thành cô giáo dạy sinh - địa, nhưng ra trường lại bén duyên dạy trẻ khuyết tật tại một trường tư thục. Những khó khăn ban đầu nhiều lần tưởng chừng đánh gục cô giáo trẻ. Dạy học trò bình thường biết chữ đã khó, dạy trẻ khiếm thính, chậm phát triển, cái khó càng không thể đong đếm. Những từ ngữ về âm thanh, cảm xúc sâu xa khó mà biểu đạt cho các em hiểu. Cảm giác lúc đó thường rơi vào bất lực, loay hoay xoay xở cho học trò hiểu.
“Có nhiều lý do để tôi ở đây, khi chuyển công tác từ tư sang công, Sở GD-ĐT đã phân đúng lại chuyên môn nhưng tôi vẫn làm đơn xin được tiếp tục dạy trẻ khiếm thính. Đó là những lớp học không âm thanh nhưng đầy tình thương. Mỗi đứa trẻ ở đây là một cuộc đời cần chúng ta nâng đỡ”, cô Ngọc tâm tư. Chỉ lên tấm bằng khen treo trên tường, cô trải lòng: “Bệ đỡ mỗi khi mình cảm thấy chông chênh chính là giải thưởng Võ Trường Toản. Tôi không thể tả rõ niềm hạnh phúc của mình khi đó. Năm 2016, tôi chỉ 28 tuổi, so với nhiều tên tuổi lớn, tôi nghĩ mình không thể đạt, vì tiêu chí của giải thưởng rất khó. Trong đời làm nghề giáo, nếu may mắn chỉ đạt được 1 lần duy nhất. May mắn đã mỉm cười với tôi. Từ lúc đó, tôi tâm niệm sẽ gắn bó với những đứa trẻ khiếm khuyết cho đến ngày không thể đứng trên bục giảng nữa”.
Khi đủ lớn, khoảnh khắc cảm xúc sẽ trở thành tình cảm hiện hữu. Khoảnh khắc đó khiến mỗi khi hụt hẫng, trắc trở, cô không còn nói “mệt quá thôi hổng làm nữa”, thay vào đó là mạnh mẽ bước qua chông chênh. Dĩ nhiên sức mạnh không đến từ việc thắng một giải thưởng. Với một nhà giáo đầy trách nhiệm, tình yêu với học trò mới là liều doping, là điểm tựa để vượt qua trở ngại. Và giải thưởng Võ Trường Toản là minh chứng hữu hình cho điểm tựa vô hình đó.
Cô giáo trẻ ngày nào đã trở thành nhà quản lý trường học giàu kinh nghiệm, nhưng cô hiệu trưởng Võ Thị Thanh Tâm thừa nhận, dù ở vị trí nào thì chăm trẻ như cái nghiệp đã ăn vào trong máu. Mỗi khi dự giờ thấy các cô giáo trẻ còn lóng ngóng, cô liền thị phạm, chỉ cách làm sao cho trẻ con thích. Bàn tay của bà giáo ngoài 50 vẫn gọn gàng, thoăn thoắt thay tã cho những đứa trẻ lớp cơm nát. Cô thú thật làm quản lý áp lực lắm, những vấn đê tài chính nhiều lúc sẽ làm mình đau đầu, chỉ cần đi một vòng xuống lớp với các con là có thể lấy lại năng lượng.
Nhìn bảng thành tích của thầy Hồ Tường Long, TTGDNN-GDTX quận 12, tôi thắc mắc: Sao thầy vẫn chưa làm quản lý? Thầy khẳng định nhẹ tênh: “Bục giảng mới là sân khấu chính của thầy”. Bởi vậy, dù đã là Giám đốc TTGDTX Gò Vấp nhưng khi chuyển công tác về TTGDNN-GDTX quận 12, thầy xin được thôi làm công tác quản lý, trở về làm giáo viên bởi thầy yêu công tác giảng dạy. Đứng trên bục giảng, chứng kiến cái gật đầu thấu hiểu của học trò là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của vị giáo già này.
“Với vị trí người thầy, tôi thấy mình phù hợp với việc truyền thụ kiến thức và chứng kiến sự trưởng thành của tụi nhỏ. Học viên GDTX từng có một thời mang tiếng “quậy” nên tôi tự nhủ càng phải nỗ lực để xóa bỏ định kiến đó. Khoảng 5-7 năm nay, hệ giáo dục này đã âm thầm thay da đổi thịt từ tác phong, năng lực người học đến hoạt động phong trào, có nhiều thứ không hề thua kém bạn bè trường phổ thông. Với tôi, đó là thành tựu”, người thầy giáo bộc bạch.
Trong số hàng trăm ngàn thầy cô giáo đã và đang công tác, giảng dạy tại TPHCM, mỗi người đang âm thầm cống hiến theo cách riêng của mình cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Các thầy cô đều xứng đáng được tôn vinh. 826 thầy cô giáo được xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản từ năm 1998 đến nay, là những thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm ngàn tấm gương nhà giáo tận tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Giải thưởng Võ Trường Toản sẽ luôn là một trong những cách để xã hội tri ân đối với thầy cô giáo; sẻ chia với những nhọc nhằn khó khăn của thầy cô; để động viên những người dẫn đường tiếp tục thực hiện thiên chức; để xã hội quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục; và để tinh thần hiếu học luôn được thắp sáng…