Một bản hợp đồng trách nhiệm giữa hai đồng chí Tổng Biên tập Báo SGGP và Giám đốc Sở GD-ĐT (lúc đó) đã được ký kết, với những thỏa ước như sau: Bắt đầu từ năm học 1998 - 1999, Giải thưởng Võ Trường Toản, với quy mô cấp thành phố, sẽ được tổ chức hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Năm nay đã bước sang năm thứ 20 giải thưởng hình thành và phát triển.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2016 cho các nhà giáo tiêu biểu Ảnh: Việt Dũng
Noi gương người thầy mẫu mực đất Nam bộ
Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam bộ - thầy Võ Trường Toản - đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo, đó là đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, vừa nhắc nhở trọng trách, vừa ngợi ca những người thầy có tầm, có tâm và có đạo hạnh.
Giải thưởng vinh danh các thầy cô giáo được mang tên Võ Trường Toản với các lý do: Cụ Võ Trường Toản là thầy giáo nổi tiếng của đất Sài Gòn - Gia Định xưa, người có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Trong số học trò của cụ có những người tài như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh... Nhân Sài Gòn 300 năm (năm 1998) và nhằm đề cao vai trò người thầy giáo, người chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội, góp phần không nhỏ vào việc quyết định tương lai phát triển của đất nước, giải thưởng này ra đời để khen thưởng những thầy cô giáo có công đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo thành phố.
Ngày 22-9-1998, hội thảo về việc thành lập “Giải thưởng Võ Trường Toản” do Báo SGGP phối hợp cùng Sở GD-ĐT thành phố được tổ chức trọng thể tại tòa soạn báo. Đại biểu đến tham dự hội thảo là các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà doanh nghiệp... Tất cả cùng mang chung một tấm lòng là làm sao để toàn xã hội có dịp tri ân đối với công lao của các nhà giáo đã một đời gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Tại hội thảo năm ấy, Giáo sư Hoàng Như Mai xúc động nói: “Từ trước đến giờ, có nhiều giải thưởng nhưng chưa có giải thưởng cụ thể cho người thầy. Võ Trường Toản là người thầy giáo rất cụ thể của đất Nam bộ nên việc chọn tên giải Võ Trường Toản là rất hợp lý. Bác Hồ đã từng nói: “Thầy giáo là những anh hùng vô danh”. Do đó, việc ghi công, tuyên dương người thầy là rất hợp với đạo lý và lẽ phải”.
Ý nghĩa xã hội lớn, tính lan tỏa cao
Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ nhất chỉ mới dừng lại trong phạm vi giáo viên các trường phổ thông là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Từ lần thứ 2 đến nay, giải mở rộng hơn ra nhiều cấp học khác, có thêm khối mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên.
576 là con số thầy cô giáo được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản trong 20 năm qua.
Nhận xét chung về Giải thưởng Võ Trường Toản, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho rằng, giải thưởng đã tạo được tiếng vang trong xã hội, nhất là trong dư luận giáo giới và các bậc cha mẹ học sinh. Hiện tại, giải đã thể hiện được tính truyền thống, có tác động lớn đối với xã hội trong cách nhìn về vai trò và vị trí của người thầy giáo, nhất là tinh thần “tôn sư trọng đạo”, lòng tri ân và trân trọng đối với giáo giới nói chung.
Tiêu chuẩn để xét chọn giải dựa theo 3 tiêu chuẩn: Thành tích của cá nhân dựa trên hiệu quả đào tạo từ 3 năm học gần đây (hiệu suất đào tạo, tỷ lệ học sinh khá giỏi; số đoạt giải học sinh giỏi thành phố, quốc gia...); thâm niên và bề dày đạt các danh hiệu về thi đua; được đồng nghiệp và xã hội tín nhiệm. Đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS, mỗi quận xét chọn từ các cơ sở đi lên và cuối cùng chọn ra một nhà giáo xuất sắc nhất cho mỗi bậc học. Các nhà giáo này sẽ cùng ngồi lại với nhau để có ý kiến, nhận xét đồng nghiệp và cùng trao đổi về sự hiểu biết của mình đối với ngành.
Ban tổ chức giải sẽ dựa vào đó mà chọn ra mỗi bậc học 3 nhà giáo tiêu biểu nhất để trao giải. Đối với trường THPT, mỗi trường chọn 1 người và gửi danh sách lên thành phố chọn ra 3 người theo 3 tiêu chuẩn quy định trên. Sau khi các phòng chuyên môn của ngành xét chọn xong, danh sách này được đưa qua hội đồng xét duyệt của ngành gồm ban giám đốc sở và lãnh đạo các đoàn thể, các trưởng phòng ban do giám đốc sở chủ trì để quyết định lần cuối.
Suốt 20 năm qua, ban tổ chức đã xét chọn để trao giải thưởng này với tinh thần hết sức tâm huyết và trách nhiệm. Ấn tượng nhất với nhiều thầy cô giáo có lẽ là đêm trao giải đầu tiên, bởi từ đây, ngành giáo dục TPHCM có thêm một ngày hội “Tôn vinh người thầy” thiết thực, ý nghĩa, đậm tính nhân văn.
Có thể nói, Giải thưởng Võ Trường Toản đã có một tiếng vang trong xã hội, nhất là trong dư luận giáo giới và các bậc cha mẹ học sinh. Suốt 20 năm qua, giải đã thể hiện được tính truyền thống, liên tục. Với đà ngày càng phát triển như hiện nay, giải sẽ có tác động lớn đối với xã hội trong cách nhìn về vai trò và vị trí của người thầy giáo trong xã hội, nhất là lòng tri ân và trân trọng đối với giáo giới nói chung. Đặc biệt, từ năm 2016, Giải thưởng Võ Trường Toản mở rộng ra đến TP Đà Nẵng - vùng đất học của miền Trung. Năm nay là năm thứ 2, giải được duy trì tổ chức tại đây.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thầy giáo, ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho rằng: “Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn nại, bền bỉ và bằng cả cái tâm trong sáng của mình. Vinh danh công lao nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã dạy mình; đồng thời thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hóa dân tộc”.
Trong số hàng trăm ngàn thầy cô giáo đang công tác tại TPHCM và Đà Nẵng, mỗi người đang âm thầm cống hiến theo cách riêng của mình cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở mỗi thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Các thầy cô đều xứng đáng được tôn vinh. Số thầy cô giáo được xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, là những thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm ngàn tấm gương nhà giáo tận tâm, đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người của TPHCM và Đà Nẵng!
Giải thưởng cao quý
Là người gắn bó với Giải thưởng Võ Trường Toản ngay từ năm đầu tiên, tôi thật sự coi trọng và đánh giá cao Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đồng sáng lập nên giải thưởng cao quý này; đến nay đã tròn 20 năm. Đây là giải thưởng đề cao, tôn vinh chức phận và lòng tận tụy của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Xã hội thời nào cũng luôn coi trọng thầy cô giáo, nên việc tổ chức giải thưởng là một việc làm phải đạo, hợp lẽ đời, đáng được ngợi khen!
Một quốc gia suy vong hay hưng thịnh, đều một phần phụ thuộc vào giáo dục. Nhưng để sự nghiệp giáo dục phát triển, luôn cần tới những người thầy giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề và có lòng tận tụy với học trò. Song, trong cuộc sống, đã có biết bao thầy cô, để được trọn đạo làm thầy, để được tiếp tục gánh vác chức trách cao cả của người “dẫn đường” khai trí cho thế hệ tương lai của đất nước, họ phải vượt qua bao khó khăn trở lực trong cuộc sống đời thường. Áp lực trách nhiệm cộng với áp lực “cơm áo, gạo tiền” đã bào mòn nơi họ rất nhiều sức lực, tâm trí, khiến không ít người băn khoăn, trăn trở và tự vấn - có nên bỏ cuộc, hay tiếp tục chịu đựng và đi tiếp? Và thật đáng trân quý, khi phần lớn thầy cô vẫn tâm huyết, bám trường, bám lớp tiếp tục công việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hướng dẫn, vun bồi cho những giá trị tinh thần, cho phẩm cách làm người nơi học trò của mình không ngừng lớn lên theo năm tháng! Tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Giải thưởng Võ Trường Toản là một trong những cách để xã hội tri ân đối với thầy cô giáo; để sẻ chia với những nhọc nhằn khó khăn của thầy cô; để động viên những người dẫn đường tiếp tục thực hiện thiên chức; để xã hội quan tâm hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục; và để tinh thần hiếu học luôn được thắp sáng…
Qua lễ trao giải thưởng hàng năm, còn là dịp để nhìn thấy và đánh giá đúng tâm sức của các cơ quan và những người đồng hành với Giải thưởng Võ Trường Toản trong 20 năm qua là hết sức lớn lao, để vượt qua không ít khó khăn gặp phải. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, thận trọng, kỹ càng của ban tổ chức trong việc xét chọn để trao giải, đã tránh được những sơ suất dù nhỏ nhất, không làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của những thầy cô giáo; chọn được những người tiêu biểu nhất trong đội ngũ những nhà giáo để trao giải.
NGUYỄN THÀNH TÀI
(Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM)
(Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM)