GS Đặng Văn Chi, nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về ung thư, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), cho biết, sở dĩ ông đồng ý tham gia hội đồng giám khảo bởi nhận thấy giải thưởng VinFuture tôn vinh công trình khoa học phụng sự nhân loại; hướng đến những nghiên cứu tạo sự thay đổi tích cực tới cuộc sống hàng triệu người. Đó cũng chính là sự khác biệt của giải thưởng VinFuture.
GS Richard Henry Friend, Đại học Cambridge (Anh), đánh giá cao những công trình nghiên cứu được gửi đến tham dự. Theo đó, các công trình này đạt về số lượng và chất lượng khoa học. Cụ thể, trong số hơn 1.200 đăng ký với 599 dự án, công trình tranh giải có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong tốp 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize...
GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, cho biết, bà tự hào về giải thưởng đại diện cho đất nước và con người Việt Nam. Điều khiến giải thưởng này có sự khác biệt là mang những phát kiến giá trị tác động tới người nghèo không có điều kiện tiếp cận tới các công trình khoa học lớn, công nghệ mới phổ biến trên thế giới.
Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất gồm: giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, người đến từ các nước đang phát triển hay nghiên cứu lĩnh vực mới.