Sharon Lavigne, 68 tuổi, đã tổ chức các cuộc tuần hành, thỉnh nguyện, họp tòa thị chính và các chiến dịch truyền thông sau khi các quan chức được bầu cử bật đèn xanh cho việc xây dựng một nhà máy gây ô nhiễm ở giáo xứ St James (cộng đồng đa số là người da đen đã bị tàn phá bởi công nghiệp nặng và tỷ lệ ung thư cao).
Nhà máy nhựa Wanhua do Trung Quốc sở hữu trị giá 1,25 tỷ USD, ước tính sẽ tạo ra 450 tấn chất thải nguy hại dạng lỏng mỗi năm, bao gồm hàng trăm tấn methylene diphenyl diisocyanate (một hóa chất gây ung thư ảnh hưởng đến chức năng hô hấp), cũng như carbon monoxide, dễ bay hơi hợp chất hữu cơ, fomanđehit và benzen.
Bất chấp những rủi ro gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường, vào cuối năm 2018, hội đồng giáo xứ St James đã xúc tiến cấp phép cho nhà máy Wanhua, cấp cho họ 10 năm miễn thuế tài sản và quy hoạch lại khu dân cư mà không tham khảo ý kiến cộng đồng.
S.Lavigne đã vận động cộng đồng chống lại hoạt động của nhà máy Wanhua thông qua Rise St James - một tổ chức công bằng môi trường mà bà thành lập vào năm 2018. Bà gõ cửa từng nhà, làm chứng tại cuộc họp hội đồng giáo xứ và các phiên điều trần khác, đồng thời kiến nghị với địa phương và tác động để lãnh đạo các cơ quan liên quan ban hành quy định về xây dựng công nghiệp mới. Khi chính quyền “im lặng”, S.Lavigne đã thành lập liên minh với các tổ chức lớn hơn, am hiểu về luật môi trường, thiết kế các tờ rơi giáo dục và quảng cáo trên báo để phản đối dự án.
Dưới sự phản đối ngày càng gia tăng, vào tháng 9-2019, chưa đầy một năm sau khi được cấp phép, Wanhua đã rút lại đơn xin sử dụng đất của mình. Nhà máy này chuyển sự chú ý sang một giáo xứ khác, nhưng S.Lavigne và đồng nghiệp của bà cũng đã giúp cộng đồng đó tổ chức các hoạt động phản đối.
Người phát ngôn của giải thưởng Goldman cho biết: Chiến dịch cấp cơ sở bền bỉ của S.Lavigne đã bảo vệ cộng đồng thành công. Hoạt động tích cực của bà đã ngăn chặn việc tạo ra 45.000 tấn chất thải nguy hại lỏng mỗi năm…
Được thành lập vào năm 1990, giải thưởng Goldman thường niên công nhận các nhà môi trường cấp cơ sở từ khắp nơi trên thế giới. Trong số những người nhận giải năm nay còn có nhà hoạt động người Peru Liz Chicaje Churay, có thành tích cứu 2 triệu ha rừng nhiệt đới Amazonian khỏi lâm tặc; và Gloria Majiga-Kamoto, người thuyết phục Chính phủ Malawi cấm đồ nhựa sử dụng một lần.
Tiểu bang nơi S.Lavigne sống vẫn có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng hơn 100 cơ sở hóa dầu, với giáo xứ St James là trung tâm. Tuy nhiên, S.Lavigne sẽ không chùn bước. Bà khẳng định: “Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục. Đó là một cuộc chiến dài. Chúng tôi phải thuyết phục các nhà chức trách rằng, chúng tôi muốn sống, chúng tôi muốn ở lại St James”.