Trong 11 cá nhân nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần này, phần lớn là người trẻ. Với khả năng sáng tạo, nắm bắt và giải quyết nhanh những yêu cầu mới đặt ra, những sáng kiến của họ không chỉ đóng góp vào thành tích chung của đơn vị mà còn góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra của thành phố và được áp dụng ở nhiều nhà máy trên toàn cầu.
Anh Võ Duy Phương, kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật sửa chữa, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, chia sẻ về chương trình đào tạo kỹ năng thiết bị. Ảnh: THU HƯỜNG |
Gỡ “nút thắt” trong dây chuyền sản xuất
Gặp anh Hồ Vĩnh Phú (33 tuổi, Quản lý phân xưởng, Công ty TNHH Jabil Việt Nam), ấn tượng để lại trong chúng tôi đó là một chàng trai cầu toàn. Có lẽ vì vậy mà chỉ 8 năm công tác tại Công ty TNHH Jabil Việt Nam, anh đã tham gia hàng chục sáng kiến, cải tiến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh Hồ Vĩnh Phú cho biết, bản thân tâm đắc nhất với sáng kiến “Cải tiến công suất làm việc và mô hình cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm ESL”.
Anh Phú chia sẻ, quá trình làm việc, anh nhận thấy các chuyền trong sản xuất luôn chạy không đạt năng suất theo thiết kế, nguyên vật liệu cung cấp luôn bị gián đoạn, dẫn đến thường bị dừng chuyền và sản lượng không đáp ứng được nhu cầu. Tuy xác định trạm kiểm tra chất lượng sản phẩm là “nút thắt” khiến sản lượng không đạt, nhưng do hạn chế về không gian, không thể tăng số lượng dây chuyền nên việc cải tiến dây chuyền hiện hữu là phương án tối ưu nhất. “Chúng tôi thiết kế lại quy trình cấp phát nguyên liệu, cải tiến sơ đồ di chuyển, chuẩn hóa các công đoạn, nhất là tối ưu hóa các không gian, sắp xếp lại diện tích của máy móc thiết bị trên chuyền, giảm không gian trạm kiểm tra chất lượng sản phẩm để tăng thêm 1 trạm. Sau hơn 1 tháng tôi cùng các cộng sự mày mò cải tiến, bản thử nghiệm đầu tiên ra đời”, anh Phú kể.
Sau 3 tháng cải tiến bản thử nghiệm, đồng thời hướng dẫn công nhân vận hành dây chuyền mới, từ 1 trạm kiểm tra chất lượng sản phẩm cho 1 chuyền thành 2 trạm cho 1 chuyền. Kết quả, cùng một không gian sản xuất, sáng kiến đã giúp tăng sản lượng lên gấp đôi, giảm được 20% nhân công, giúp làm lợi cho công ty hơn 7 tỷ đồng. Công ty TNHH Jabil Việt Nam đã đem quy trình cải tiến mà anh Phú và cộng sự đã thực hiện để áp dụng ở nhiều nhà máy khác. Năm 2022, sáng kiến “Cải tiến công suất làm việc và mô hình cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm ESL” của anh Phú lọt vào tốp 2 châu Á và tốp 8 sáng kiến Jabil toàn cầu. Đến nay, sáng kiến này đã được ứng dụng vào những dây chuyền phù hợp.
Thành quả từ đam mê nghiên cứu
Công tác tại một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Khu Công nghệ cao TPHCM, anh Võ Duy Phương (kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật sửa chữa, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam) đã tạo nhiều dấu ấn bằng năng lực, sự sáng tạo của mình. Công việc của anh là kiểm tra, sửa chữa thiết bị của nhà máy, nhưng anh đã làm nhiều hơn thế khi luôn nỗ lực cải tiến các thiết bị nhằm phục vụ tốt nhất cho công việc chung của doanh nghiệp.
Trước đây, khi thiết bị của nhà máy bị hư hỏng, kỹ thuật viên phải đem máy dò từng bộ phận để kiểm tra. Do phải đo kiểm thủ công nên mất khá nhiều thời gian, cộng thêm phải gửi đi nước ngoài sửa chữa đã tốn không ít chi phí của công ty. Những năm gần đây, thiết bị hư hỏng ngày càng nhiều, đòi hỏi phải sửa chữa tại chỗ để đảm bảo hoạt động sản xuất. Năm 2019, anh Phương đề xuất được nghiên cứu thiết bị có thể hỗ trợ phát hiện lỗi tại chỗ. Được lãnh đạo công ty ủng hộ, anh nghiên cứu rất nhiều tài liệu về kết cấu máy.
Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm qua nhiều phiên bản, cuối năm 2020, “Công cụ để sửa chữa và thử tải thiết bị đầu gắn sản phẩm” được đưa vào vận hành. Phiên bản đầu chỉ cho kiểm tra một vài lỗi nhỏ, sau đó được nâng cấp dần và cập nhật thường xuyên. Đến nay, công cụ đã tầm soát được tất cả các lỗi trên thiết bị. “Khi có sự cố xảy ra, bộ phận kỹ thuật chỉ cần gắn công cụ kiểm tra vào thiết bị, phần mềm sẽ lọc và xác định lỗi, bộ phận kỹ thuật theo đó sửa chữa. Thay vì mất hơn 1 tuần để gửi ra nước ngoài sửa chữa, hiện nay chúng tôi chỉ mất 2 tiếng là khắc phục xong”, anh Phương chia sẻ. Đến nay, công cụ trên đã được Tập đoàn Intel áp dụng cho các nhà máy trên toàn cầu.
Ngoài ra, anh Võ Duy Phương còn có nhiều sáng kiến khác đang được áp dụng hiệu quả tại nhà máy, nhiều linh kiện cũ được anh chuyển đổi công năng để sử dụng cho các thiết bị mới. Anh Nguyễn Công Hoàng (Quản lý Phòng Kỹ thuật sửa chữa, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam) nhận xét về nhân viên của mình: “Anh Phương là người luôn sáng tạo, đam mê nghiên cứu, chịu tìm tòi, học hỏi những cái mới. Anh đã đưa ra rất nhiều sáng kiến có tính áp dụng cao, mang lại hiệu quả rất tốt cho nhà máy”.
Ngoài làm tốt nhiệm vụ kỹ thuật viên, anh Võ Duy Phương còn đóng góp nhiều vào hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân. Anh đã trực tiếp dìu dắt, đào tạo gần 500 công nhân lành nghề, giúp họ trở thành người thợ giỏi ở các phòng, ban. Với đóng góp của mình, anh được nhận danh hiệu “Công đoàn viên xuất sắc” 5 năm liền; đoạt giải thưởng cá nhân gương mẫu trong tiết kiệm chi phí và 2 năm liền đạt thành tích Giảng viên lớp kỹ thuật của năm.
Cải tiến cái nhỏ để góp vào thành công chung
Từ ngày còn làm ở đơn vị nhà thầu một số dự án cho ngành nước thành phố, anh Nguyễn Trọng Nhân đã nghĩ cần phải cải tiến nhiều hoạt động để công việc ngoài hiện trường của công nhân ngành nước được thuận tiện hơn. Do đó, khi về làm việc tại Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, anh Nhân (nay là Tổ trưởng vận hành, Phòng kỹ thuật) đề xuất ngay việc dời các Pilot trong hầm lên tủ tín hiệu DMA. “Khi ấy, để mở nút tăng giảm áp từ Pilot thì công ty phải điều xe cẩu, máy bơm đến mở nắp hầm. Trong hầm đầy muỗi và mùi hôi, ảnh hưởng đến việc thi công và cả môi trường xung quanh. Tôi đề xuất dời Pilot lên trên để anh em thao tác được thuận tiện và giảm chi phí. Thấy ý tưởng thiết thực, lãnh đạo công ty đồng ý cho thực hiện”, anh Nhân kể.
Anh Nguyễn Trọng Nhân (Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân) hướng dẫn đồng nghiệp các thao tác tại tủ tín hiệu DMA. Ảnh: THÁI PHƯƠNG |
Trong công việc, thấy cái gì chưa ổn thỏa, chưa hài lòng, còn gây khó khăn cho công nhân khi thi công thì anh Nhân nghiên cứu và có ý tưởng cải tiến. Chẳng hạn như thấy nguồn năng lượng cung cấp cho thiết bị vận hành tủ tín hiệu DMA chủ yếu là pin nhập khẩu, anh Nhân nghĩ rằng nếu chủ động được nguồn năng lượng thì sẽ giúp tủ tín hiệu hoạt động tốt hơn. Qua nhiều lần thử nghiệm nhiều nguồn, anh và đồng nghiệp đưa ra giải pháp “Sử dụng nguồn năng lượng xanh để vận hành tủ tín hiệu DMA” nhằm giúp giải quyết vấn đề chi phí quản lý, vận hành và bảo vệ môi trường.
Giới thiệu với chúng tôi về tủ tín hiệu DMA đa chức năng, anh Nhân chia sẻ, đây là nơi anh và đồng nghiệp thực hiện nhiều sáng kiến, cải tiến để công việc ngày càng thuận tiện. Anh Nhân giới thiệu đây là Pilot được di dời từ hầm lên, đó là bộ điều khiển áp lực tự động, kia là công cụ vận hành… Đặc biệt, trong tuần lễ Khoa học công nghệ và sáng tạo ngành nước năm 2023, anh Nhân và đồng nghiệp đã giới thiệu sáng kiến bộ điều khiển đóng mở van tự động áp dụng cho vùng áp lực thấp. Từ lúc áp dụng giải pháp này, khi có sự cố vận hành bộ điều áp Pilot hay khi có sự cố hỏa hoạn, bể đường ống nước trên địa bàn, nhân viên quản lý có thể ngồi tại chỗ điều chỉnh, tăng áp lực từ xa thay cho việc phải chạy ra hiện trường mở van thủ công.
Đánh giá về cây sáng kiến của đơn vị, ông Dương Văn Hòa, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, nhận xét, anh Nguyễn Trọng Nhân là nhân tố tích cực, luôn đưa ra nhiều sáng kiến để tạo ra hiệu quả tốt hơn cho công việc. Đơn vị cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để các sáng kiến của người lao động được ứng dụng vào thực tế. Chính những sáng kiến, sáng tạo của người lao động đã giúp tỷ lệ thất thoát nước của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2023 còn 5,63%, thấp nhất toàn Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.