Cải tiến từ những việc nhỏ
Trò chuyện cùng anh Phạm Quang Thắng, chúng tôi thấy ở anh ngọn lửa nhiệt huyết của một người trẻ dành hết tâm trí cho nông nghiệp và người nông dân. Anh Thắng cho biết, xuất phát từ những ngày gắn bó với ruộng đồng, cùng ăn, cùng ở với nông dân và từ những thắc mắc của người nông dân, anh đã trăn trở để từ đó đưa ra những sáng kiến.
Trong kho sáng kiến của anh Thắng, có những ý tưởng đến từ điều rất nhỏ. Chẳng hạn như thấy quả chanh dây chỉ lấy ruột làm nước uống, vỏ thì vứt bỏ, ảnh hưởng đến môi trường, vậy là anh Thắng tìm cách sử dụng vỏ quả chanh dây ủ làm phân hữu cơ để bón lại cho cây.
Anh Thắng cho biết, niềm vui của anh và đồng nghiệp trong năm 2023 là đã hoàn thiện và được công nhận 1 quy trình tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia: Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) trên môi trường không sử dụng nhộng tằm. Sáng kiến này đã góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất nhộng trùng thảo, giảm tình trạng khai thác nhộng trùng thảo tự nhiên quá mức, tăng nguồn cung cấp đối với loại nấm dược liệu quý nói trên. Quy trình cũng tạo dựng được mô hình liên kết khoa học - đào tạo - sản xuất, đồng thời rất phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị của TPHCM. Việc sử dụng quy trình sản xuất không sử dụng nhộng tằm làm tăng hơn 200% năng suất so với quy trình sản xuất sử dụng nhộng tằm, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế 2,5 lần.
Trong kho sáng kiến của chàng kỹ sư trẻ ấy còn có rất nhiều sáng kiến làm lợi tiền tỷ cho đơn vị. Chỉ riêng từ năm 2021-2022, anh Thắng có 7 mô hình sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, giúp tăng giá trị sản phẩm, thu nhập cho người ứng dụng. Trong đó có thể kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường tại huyện Cần Giờ, với năng suất đạt 40 tấn/ha. Mô hình này mang về tổng doanh thu hơn 3,9 tỷ đồng/năm và lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/năm cho người nuôi tôm. Hay là sáng kiến chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính cũng mang lại lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/năm; sáng kiến quy trình sản xuất bột hòa tan dưa hấu sấy thăng hoa, mang lại giá trị lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm. Với những sáng kiến đem lại lợi ích thiết thực, anh Phạm Quang Thắng được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2023.
Biến trăn trở thành hành động
Anh Thắng luôn trăn trở với những khó khăn của người nông dân để có những mô hình cải tiến quy trình tạo thuận tiện hơn. Điều hiện nay anh Thắng cùng đồng nghiệp đang hướng tới và mong muốn đạt được chính là tạo ra những sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó là nghiên cứu các sản phẩm chế biến tinh để tăng giá trị sản phẩm hiện có.
Không ngừng chinh phục nông nghiệp bằng công nghệ, đổi mới sáng tạo, hướng đến nền nông nghiệp xanh là câu chuyện anh Thắng và đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM thường thảo luận, trăn trở. Theo anh Thắng, hiện nay tiêu chí về nông nghiệp xanh chưa có, rất cần công tác tuyên truyền để giúp người dân thấy được lợi ích canh tác nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, người nông dân cần cơ chế, chính sách hỗ trợ để có thể theo đuổi và ứng dụng công nghệ mới.
Ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, thời gian qua, hàng trăm sáng kiến đã được các kỹ sư nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tế, chuyển giao đến người nông dân, tạo ra lợi nhuận cao cho người áp dụng. Chính từ những sáng kiến, cải tiến ấy, nhiều kỹ sư của trung tâm vinh dự đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng nhiều năm qua.
Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cho biết, trên tinh thần người đi trước hướng dẫn, hỗ trợ người đến sau, khi các bạn trẻ có ý tưởng hay đề xuất sáng kiến, nếu khả thi thì đều được lãnh đạo phòng, ban đóng góp ý kiến hoàn thiện và đưa vào ứng dụng. Ngoài ra, các nhà khoa học trẻ cũng thường được đưa đi học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp công nghệ cao để tiếp cận những công nghệ tiên tiến, mang về ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở TPHCM cũng như các tỉnh, thành phố.
Hôm nay, ngày 19-8, tại Nhà hát Bến Thành, UBND TPHCM, Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP trang trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23, năm 2023 cho 11 kỹ sư, công nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực. Đây là những kỹ sư, công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh, không chỉ mang lại lợi ích cho đơn vị mà còn góp phần vào sự phát triển chung của TPHCM. Họ cũng là người nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn, truyền nghề cho công nhân trẻ khơi nguồn sáng tạo.