Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2: Sáng tạo không ngừng trong tâm dịch

Suốt nhiều tháng trời Covid-19 hoành hành ở TPHCM, từ trong tâm dịch, những ý tưởng sáng tạo mau chóng thành hình và ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Những ý tưởng được thôi thúc bằng trách nhiệm, tình thương đã trở thành lá chắn chở che, nâng đỡ hàng triệu người dân ở thành phố vượt qua dịch bệnh.
Các tình nguyện viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm H.O.P.E bằng tất cả tình yêu thương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các tình nguyện viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm H.O.P.E bằng tất cả tình yêu thương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng tạo để giữ gìn sự sống

Cuối tháng 11-2021, chị Trần Thị Kỳ (45 tuổi, ở quận 7) phát hiện cả gia đình mắc Covid-19. Hai đứa trẻ (con của anh chị) có triệu chứng rất nhẹ, nhưng vợ chồng chị thì mau chóng thấy đuối sức, thở khó. Gọi điện đến Tổng đài 1022, bấm thêm số 4, chị được kết nối với bác sĩ tình nguyện. Những cuộc điện thoại tư vấn kéo dài hơn 2 tuần cho đến khi toàn bộ thành viên trong gia đình chị khỏi bệnh. Chính sự giúp đỡ đúng lúc, ân cần ấy đã giúp gia đình chị vững vàng tinh thần vượt qua cơn bệnh. 

Nơi chị Kỳ liên lạc là mạng lưới Thầy thuốc đồng hành do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai ngay trong những ngày TPHCM căng thẳng vì dịch Covid-19. Lúc ấy, số ca mắc mới mỗi ngày ở thành phố tăng chóng mặt, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế. Mà với bệnh nhân, mỗi phút giây chờ đợi để được chăm sóc y tế thực sự dài đằng đẵng. Vậy là mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời để hỗ trợ sàng lọc nguy cơ, tư vấn chăm sóc y tế tại nhà. Trong hơn 70 ngày đêm, mạng lưới đã hỗ trợ hơn 400.000 F0, tất cả đều miễn phí.

Cùng thời gian ngặt nghèo đó, Bệnh viện (BV) Hùng Vương lập ra mô hình nuôi dưỡng và chăm sóc tạm thời trẻ sơ sinh là con của thai phụ mắc Covid-19. Trung tâm có tên là H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) như một biểu tượng của niềm hy vọng. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, chia sẻ, những thai phụ mắc Covid-19 khi sinh con trong BV không có người nhà chăm sóc. Em bé vừa ra đời lại phải tách khỏi mẹ ngay để tránh bị lây nhiễm. Hơn ai hết, các y, bác sĩ ở BV thấu hiểu nỗi thiệt thòi đó, nên đứng ra chăm lo các bé trong những ngày chờ về với mẹ, với gia đình. BV bố trí nhân viên hàng ngày chăm sóc rốn, tắm bé, tập huấn cho các cô bảo mẫu tình nguyện viên. Hơn 2 tháng hoạt động, 259 bé sơ sinh đã được chở che trong vòng tay yêu thương đầy trách nhiệm của y, bác sĩ BV Hùng Vương và hơn 70 cô bảo mẫu tình nguyện. 

Văn nghệ chạm vào trái tim

Tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát đợt đầu tiên, một bài hát Việt ra đời đã gây được tiếng vang không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đó là bài hát Ghen Cô Vy - vũ điệu rửa tay vui nhộn. Video hoạt hình Ghen Cô Vy phiên bản tiếng Việt trên YouTube đạt 83 triệu lượt xem, bản tiếng Anh gần 6 triệu lượt xem. Vũ điệu rửa tay trên Tiktok đạt 11 tỷ lượt xem và tương tác. Các tổ chức quốc tế như Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, chương trình phát triển Liên hiệp quốc cũng đánh giá cao và tích cực hưởng ứng. Dự án cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế do tạp chí Time và Billboard (Mỹ) bình chọn. 

Để có được thành quả đó, nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Diễm Huyền cùng nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Min, Erik, biên đạo Quang Đăng, Minh Quân, Yang Animation Artist nỗ lực chạy đua chỉ trong 15 ngày để dự án hoàn thành, bài hát đến được với khán giả. Chị Diễm Huyền kể, cả ê kíp đã chạy đua ngày đêm, các khâu tiến hành song song để kịp phát hành các sản phẩm của dự án, gồm bài hát, video hoạt hình, thử thách vũ điệu rửa tay trong vòng 15 ngày kể từ khi lên ý tưởng. Dù thành công vang dội, nhưng chị nhận xét rất giản dị: “Có lẽ Ghen Cô Vy được hình thành từ sự thấu cảm, nên dễ chạm được đến trái tim mọi người”. 

Trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ngoài Ghen Cô Vy thì nhiều tác phẩm cũng ra đời gây được tiếng vang trong mùa dịch. Đó là Ca khúc Sài Gòn mùa thương của tác giả Nguyễn Xuân Phước và Phim tài liệu Những chiến binh thầm lặng của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Điện ảnh TPHCM, VimaxFilm. Bộ phim tài liệu không lời bình, chỉ sử dụng lời kể của các nhân vật về những câu chuyện mà họ trực tiếp chứng kiến, tham gia. Giản dị vậy thôi, mà khán giả cả nước có thể hình dung được phần nào về cuộc chiến phòng chống dịch khốc liệt đang diễn ra ở thành phố. Bởi đằng sau đó là bài ca về ý chí, về quyết tâm, về tình thương yêu và cái thiện để giúp người xem vững tin hơn vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Dấu ấn công nghệ

Dễ dàng nhận thấy, những sáng tạo trong phòng chống dịch kể trên đều mang đậm dấu ấn của công nghệ. Chuyên môn vững vàng cùng trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm cộng đồng đã giúp những ý tưởng sáng tạo này khẳng định được ngay giá trị thực tiễn.

Tại TP Thủ Đức, lúc dịch căng thẳng nhất là khi UBND TP Thủ Đức cùng Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM phối hợp cho ra đời ứng dụng GIS quản lý dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân mua sắm trực tuyến tại địa phương. Các tính năng trên ứng dụng giúp quản lý số ca nhiễm, điểm phong tỏa, vùng cách ly, cung cấp các thông tin về địa điểm, địa chỉ lây nhiễm, sơ đồ lây nhiễm, thông tin cách ly, phong tỏa, điều trị, xét nghiệm. Với chính quyền, ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý, từ đó đưa ra các phương án ứng phó kịp thời trong thời gian dịch bệnh. Với người dân, ứng dụng như một “cứu tinh” trong những ngày giãn cách phòng chống dịch. 

Nhiều người dân thành phố hẳn sẽ không quên những buổi tối theo dõi chương trình trực tuyến “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, được phát trực tiếp (livestream) trên Facebook, YouTube, Tiktok, website của các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí. Ở đó, MC Quyền Linh cùng khách mời là lãnh đạo thành phố liên tiếp trả lời những câu hỏi người dân đặt ra.

Lần đầu tiên, một chương trình đối thoại, tương tác trực tiếp giữa chính quyền thành phố với người dân được diễn ra theo hình thức này. Sức hút của chương trình quá lớn. Tính đến ngày 29-10, đã có hơn 11,2 triệu lượt xem, hơn 5,2 triệu lượt bình luận trực tiếp. Người dân cũng gửi đến gần 500.000 câu hỏi liên quan đến phòng chống dịch, an sinh, cứu trợ… và hơn 1,5 triệu đơn điện tử đề xuất hỗ trợ gói an sinh xã hội. Có những số phát sóng thực sự “bùng nổ” như chủ đề Định hướng lớn của TPHCM sau ngày 15-9 với khách mời là Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; hay Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan với chủ đề an sinh xã hội. Chương trình được lãnh đạo Bộ TT-TT đánh giá đã tạo sự thay đổi lớn, khởi động cho những thay đổi căn bản về hoạt động chính quyền tại tâm dịch, là cú hích để có thể nhân rộng tại các tỉnh thành khác trên cả nước. Bởi ý kiến người dân không chỉ được lắng nghe trực tiếp mà còn được phản hồi ngay, được tiếp thu và thực hiện, từ đó giúp người dân an lòng vượt qua dịch bệnh. 

Chương trình livestream này là một trong 2 nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 mà nhóm tác giả đến từ Sở TT-TT TPHCM, Bộ TT-TT, MC Quyền Linh cùng triển khai. Ngoài ra, Cổng thông tin Covid-19 TPHCM, tích hợp thông tin từ nhiều nguồn về địa chỉ: covid19.hochiminhcity.gov.vn giúp người dân truy cập, tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn. Các thông tin ghi nhận được cũng giúp hỗ trợ cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược, quyết sách phòng chống dịch.

Vì sức khỏe, tính mạng, vì sự an toàn, tiện ích cho người dân cũng chính là lý do để những sáng kiến hay liên tục ra đời giữa lòng thành phố giàu truyền thống sáng tạo - TPHCM.

Trong giai đoạn số người tử vong do Covid-19 tăng cao, công tác xử lý thi hài cũng quá tải. Công tác xử lý thông tin thi hài không đồng bộ, do nhiều bộ phận cùng thực hiện. Nhiều gia đình rất đau buồn vì không biết người thân của mình đang ở đâu, còn hay mất, lo lắng về khả năng nhầm lẫn khi hỏa táng và bàn giao tro cốt. Điều này gây nhức nhối nhân tâm người còn sống, là nỗi đau day dứt của gia đình. 

Trước tình cảnh đó, nhóm tác giả đến từ Bộ Tư lệnh TPHCM, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công thương tại TPHCM, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, Hội Tin học TPHCM, Công viên Phần mềm Quang Trung bắt tay xây dựng ứng dụng “Tìm người thân - danh sách người dân mất vì đại dịch Covid-19”. Ứng dụng giúp các đội công tác đặc biệt, BV nhập dữ liệu và quản lý danh sách thi hài người mất vì Covid-19 dựa trên mã QR. Đồng thời ứng dụng giúp người dân thành phố kịp thời tra cứu thông tin thân nhân đã mất trên website. Nhờ vậy, lực lượng chức năng quản lý tốt hơn, hạn chế rủi ro nhầm lẫn còn người dân cũng yên lòng khi có thể tra cứu nhanh chóng thông tin của thân nhân xấu số.

Tin cùng chuyên mục