Củng cố niềm tin, khẳng định giá trị
Sau 1 năm vinh dự nhận giải ba Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 3, anh Đoàn Văn Minh Nhật, đồng sáng lập thương hiệu bánh mì Má Hải, cho biết, giải thưởng đã giúp nhiều người biết đến thương hiệu bánh mì Má Hải. Điều này cũng giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng, đối tác và tạo thêm điều kiện để công ty đẩy mạnh mô hình sinh kế đến người có nhu cầu.

Việc đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel (một trong những cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á) vào năm 2021 đã tạo cơ hội lớn, làm tiền đề để bánh mì Má Hải khẳng định thương hiệu, nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Theo anh Đoàn Văn Minh Nhật, việc đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM càng giúp thương hiệu khẳng định giá trị cũng như thêm cơ hội vươn xa. “Đây là giải thưởng danh giá, giúp thương hiệu củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Chúng tôi cũng có nhiều đối tác nhượng quyền hơn, tạo được thêm việc làm cho nhiều người”, anh Đoàn Văn Minh Nhật chia sẻ.
Tương tự, vào thời điểm Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 vinh danh thương hiệu Graphene Life với công trình “Graphenel: Tiên phong sản xuất và nghiên cứu ứng dụng vật liệu graphene tại Việt Nam” là lúc Công ty CP Graphene Life ra mắt sản phẩm mới. Sau khi nhận giải thưởng, công ty như có thêm trợ lực để đầu tư, phát triển vào giai đoạn mới. Tháng 6-2024, công ty mở nhà máy sản xuất tại Khu Công nghệ cao TPHCM, với năng suất khoảng 1.000 tấn/năm. Công ty thuận lợi hơn trong kết nối, gọi vốn từ các cổ đông. Sản phẩm của công ty cũng là 1 trong 2 startup đại diện Việt Nam tham gia chương trình về phát triển bền vững khu vực Asean +3.
Nhớ lại giai đoạn khó khăn khi bắt đầu nghiên cứu sản phẩm và khởi nghiệp, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Graphene Life, tâm sự, có đôi lúc ông cùng các cộng sự nản chí. Song, với quyết tâm và trợ sức từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng như niềm tin vào sản phẩm sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, ông và các cộng sự quyết không bỏ cuộc. “Giải thưởng Sáng tạo TPHCM chính là sự công nhận sản phẩm của chúng tôi có uy tín, có giá trị cho cộng đồng, xã hội. Điều này như liều thuốc trợ sức, giúp chúng tôi tự tin hơn với sản phẩm của mình khi giới thiệu ra thị trường trong nước và quốc tế”, ông Lê Minh Tuấn bày tỏ.
Quả vậy, khi thương hiệu Graphenel được “kiểm chứng” bằng giải ba Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3, nhiều đối tác đã tin tưởng tìm Công ty CP Graphene Life để hợp tác. Ông Lê Minh Tuấn cũng tự tin rằng sản phẩm sẽ giúp đối tác giảm chi phí, giảm lượng rác thải, nguyên liệu sản xuất trong ngành xây dựng, tạo sự cạnh tranh cho đơn vị sử dụng. Tuy nhiên, do thương hiệu sản phẩm còn non trẻ nên gặp khó trong tiếp cận doanh nghiệp lớn. “Giải thưởng Sáng tạo TPHCM đã khẳng định giá trị của sản phẩm, thì việc thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ để sản phẩm được sử dụng nhiều trong thực tế sẽ giúp các sản phẩm đoạt giải được lan tỏa, vươn xa hơn”, ông Lê Minh Tuấn chia sẻ.
Cần sự trợ lực
Những giá trị mà Giải thưởng Sáng tạo TPHCM mang đến cho các tác giả, nhóm tác giả sau khi đoạt giải đã được khẳng định. Song thực tế vẫn còn những khó khăn, trở ngại để các công trình có nhiều đóng góp vào thực tiễn cuộc sống.
5 năm trước, công trình “Nghiên cứu và phát triển liệu pháp tăng sinh mạch máu mới bằng hydrogel kháng oxy hóa có khả năng điều hòa khí nitric oxide trong điều trị nhồi máu cơ tim” của tác giả TS Vòng Bính Long, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM (nay là PGS-TS Vòng Bính Long, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) đoạt giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 1 - năm 2019.
“Kết quả ghi nhận được là hệ hydrogel có khả năng tạo mạch máu mới trên mô hình động vật bị nhồi máu cơ tim và cho thấy khả năng phục hồi. Chúng tôi rất tin tưởng, kỳ vọng công trình sẽ có bước tiến để ứng dụng trên cơ thể người”, PGS-TS Vòng Bính Long nhớ lại. Sau thành công từ giải thưởng, PGS-TS Vòng Bích Long cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển và tìm các đối tác trong lĩnh vực y tế để có thể thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, do công trình mới, lại dùng vật liệu mới, nên khi ứng dụng, nhất là ứng dụng trên người, cùng với việc lúc đầu nhóm thiết kế hệ hydrogel thêm cách tiêm trực tiếp vào cơ tim, nên gặp khó khăn.
Tương tự, năm 2021, sau khi nhận giải ba Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 - năm 2021 với giải pháp “Chống thấm thuận, nghịch tầng hầm không cần hệ thống mương dẫn, bơm nước và tường che chắn”, ông Đỗ Thành Tích, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Tín Thành, tin tưởng giải thưởng sẽ là đòn bẩy để giải pháp, sản phẩm chống thấm Intoc thương hiệu Việt của mình vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, sau hơn 3 năm, vẫn chưa nhiều người biết đến giải pháp chống thấm này và đơn vị vẫn phải tự bươn chải tìm khách hàng, đối tác.
“Thực tế có đến trên 84,35% công trình tại Việt Nam chỉ sau một thời gian ngắn đã bị thấm dột, trong đó có cả công trình cao cấp sử dụng sản phẩm chống thấm ngoại nhập. Điều nan giải là chưa có quy cách, tiêu chuẩn về chống thấm và người tiêu dùng chỉ dựa vào cảm tính mà chọn”, ông Tích trăn trở. Ông cũng mong muốn thành phố có những buổi hội thảo chuyên sâu về chống thấm để công ty có cơ hội giới thiệu sản phẩm, hoặc ít nhất giúp người tiêu dùng thêm kiến thức để chọn thương hiệu chống thấm có cam kết đánh giá 10, 20 năm. “Nếu được sự kết nối, giới thiệu từ địa phương, thành phố thì sản phẩm có cơ hội tham gia thực hiện tại các công trình, dự án lớn của thành phố”, ông Tích nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Graphene Life, đề xuất thành phố có chính sách giảm thuế nhập thiết bị máy móc, trang thiết bị cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đoạt giải thưởng để doanh nghiệp có cơ hội phát triển hơn.
- Anh NGÔ MINH HẢI, Bí thư Thành đoàn TPHCM:
Đưa các sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống
Thành đoàn TPHCM đã và đang triển khai phong trào thi đua sáng tạo với 3 nội dung, phù hợp từng lứa tuổi: phong trào sáng tạo trong học tập, sáng tạo trong lao động sản xuất, sáng tạo trong phục vụ nhân dân. Thành đoàn TPHCM cũng có nhiều giải pháp thúc đẩy, ươm mầm các công trình sáng tạo của thanh niên. Đó là việc hình thành và duy trì 2 vườm ươm, đã ươm mầm cho nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, phát triển từ những sáng tạo của các bạn trẻ.
Nhưng để thu hút được sự sáng tạo của người trẻ thì cần có giải pháp đưa các sáng tạo áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là cần có cơ chế hỗ trợ người trẻ thương mại hóa sản phẩm. Cùng với đó, cần có kênh thu dung tất cả các sáng tạo của người trẻ để chắt chiu, tìm kiếm những cái mới. Điều đó sẽ thu hút sự tham gia của nhiều người trẻ đến với Giải thưởng Sáng tạo TPHCM.
- Ông NGUYỄN TRUNG KHÁNH, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ TK25:
Kết nối, quan tâm “sức khỏe” công trình sau trao giải
Là một trong những doanh nghiệp có công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 - năm 2021, tôi nhận thấy giải thưởng đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mình. Thế nhưng, giá trị giải thưởng đối với doanh nghiệp tuy có nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được; thậm chí các sáng kiến, sáng tạo đã đoạt giải cũng rất khó tiếp cận những nơi thụ hưởng. Do đó, tôi kiến nghị cần có giải pháp để thương hiệu đoạt giải thưởng đến được nhiều người hơn. Chẳng hạn như việc tổ chức kết nối với các giải thưởng thế giới hoặc các tổ chức thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, sức sống rất thấp. Do đó, sau khi trao giải thưởng, rất mong lãnh đạo thành phố quan tâm đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có sự kết nối, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vững vàng phát triển, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM.