Nâng chất giải pháp sáng tạo
Qua 3 lần tổ chức (từ năm 2019), Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM nhận được gần 500 công trình, hồ sơ, đề án, tác phẩm tham gia. Qua quá trình thẩm định, xét duyệt, giải thưởng đã vinh danh 160 tác giả, nhóm tác giả xuất sắc, tiêu biểu. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, những con số trên đã khẳng định tiềm năng sáng tạo, tinh thần đổi mới không ngừng trong các tầng lớp nhân dân thành phố.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị đã không ngừng động viên, khích lệ sự sáng tạo và nâng chất lượng các công trình, tác phẩm tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Chẳng hạn, để tuyển chọn, thu hút và phát huy sáng tạo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TPHCM tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TPHCM.
Hội thi được tổ chức 2 năm/lần nhằm động viên, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo cùng sự tham gia của các nhà khoa học, các đơn vị khoa học và công nghệ, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, công nhân, nông dân, các nhà sáng chế trên địa bàn thành phố.
Hội thi tập trung 6 lĩnh vực: điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí và tự động hóa, giao thông; công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm; công nghệ vật liệu, công nghệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; y tế; giáo dục, hướng nghiệp.
Hội thi đã giúp phát hiện, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ, có tính ứng dụng cao vào phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Qua 27 lần tổ chức, số công trình, đề tài, giải pháp tham gia hội thi lần sau cao hơn lần trước.
“Nhằm tạo sự lan tỏa, chúng tôi phối hợp Sở KH-CN, Liên đoàn Lao động TPHCM, Thành đoàn TPHCM và các đơn vị liên quan thực hiện. Các đề tài, giải pháp đoạt giải tại hội thi đều có hàm lượng khoa học có chất lượng cao, được tuyển chọn tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM và được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các bộ, ngành đánh giá cao. Từ đó tạo được niềm tin và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia”, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM, chia sẻ.
Những kết quả đạt được của hội thi đã khẳng định nhu cầu sáng tạo trong lao động sản xuất; những nỗ lực nghiên cứu khoa học tích cực của các tập thể, cá nhân đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế xã hội của TPHCM.
Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các Giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020-2030 là một trong 51 đề án thuộc 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Đề án nhằm khuyến khích sáng tạo và ứng dụng các cải tiến, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giải pháp công nghệ vào thực tiễn, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
Đến nay, đã có 131 cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thuộc thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Đặc biệt, công tác truyền thông về Đề án được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp tăng cường nhận thức cộng đồng.
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai phong trào sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như giáo dục, lao động sản xuất, dịch vụ công… Các sáng kiến và sản phẩm sáng tạo tham gia giải thưởng cũng có tính thực tiễn cao hơn, giúp đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống.
Góp phần giải quyết các vấn đề của thành phố
Tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị, phong trào thi đua sáng tạo được phát động và triển khai mạnh mẽ. Như ở Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM), để thúc đẩy và đưa phong trào sáng kiến, sáng tạo đi vào chiều sâu, công ty đã thành lập ban chuyên trách quản lý các hoạt động cải tiến. Hàng năm, ban này đều lập kế hoạch, triển khai, đào tạo phương pháp và cách thực hiện đề tài đến tất cả người lao động.
Nhằm khích lệ các phong trào sáng tạo, cải tiến, công ty cũng ban hành các quy chế khen thưởng đối với 100% đề tài cải tiến. Những đề tài dù nhỏ nhất cũng được ghi nhận. Từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo, cải tiến trong công ty, góp phần tránh lãng phí, tăng năng suất giá trị, giảm giá thành…; đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong người lao động toàn công ty. Đặc biệt, có công nhân tại công ty mỗi năm có đến cả trăm sáng kiến, cải tiến từ việc phát huy sáng tạo trong đơn vị.
24 năm qua, thông qua Giải thưởng Tôn Đức Thắng, đội ngũ công nhân, kỹ sư thành phố đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Giải thưởng cũng góp phần phát huy có hiệu quả, hưởng ứng tích cực “Phong trào thi đua sáng tạo và các Giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020-2030”.
Giải thưởng mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng ra đời vào năm 2000, là giải thưởng cao quý do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM đồng sáng lập, thực hiện nhằm phát hiện, tôn vinh những công nhân, kỹ sư kết hợp nhuần nhuyễn giữa lao động sáng tạo, đào tạo thợ giỏi với việc phấn đấu trở thành người thợ đầu đàn. Trong 24 năm qua, đã có 270 kỹ sư, công nhân tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng này.
“Trong ngần ấy năm, giải thưởng không chỉ vinh danh các giá trị sáng tạo mà còn là bệ phóng giúp công nhân, kỹ sư thỏa những đam mê và “sải cánh” trên bầu trời lao động sáng tạo. Nhiều sáng kiến của họ không chỉ đóng góp vào thành tích chung của đơn vị mà còn góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra của thành phố và được lan tỏa, áp dụng nhiều nơi”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Võ Khắc Thái khẳng định, các gương đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng qua 24 lần tổ chức đều là những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất kinh doanh; là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào công nhân, lao động.
Đây là những gương mặt có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực được áp dụng vào thực tiễn. Họ cũng là những người thợ đầu đàn luôn tận tâm dìu dắt, hướng dẫn các lớp thợ trẻ nâng cao trình độ tay nghề. Từ đó, góp phần tích cực xây dựng và phát triển doanh nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
“Thông qua Giải thưởng Tôn Đức Thắng cho thấy câu chuyện sáng tạo đã đến với mọi người, mọi nơi, mọi giới, mọi cấp. Qua đó, nhiều công trình tiêu biểu được phát hiện để giới thiệu tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM chia sẻ.
Tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã phát động Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 - năm 2025. Đồng chí kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng đột phá gắn với chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sáng tạo vì lợi ích chung.
UBND TPHCM cũng đã có quyết định ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, thay thế Quyết định số 4515 năm 2020 và Quyết định số 1942 năm 2022. Theo đó, giải thưởng được xét trao tặng 3 năm/lần, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tính từ khi tổ chức trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 4 - năm 2025.
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được xét tặng cho các sản phẩm dự thi theo 7 nhóm lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực 1: phát triển kinh tế; lĩnh vực 2: quốc phòng, an ninh; lĩnh vực 3: quản lý nhà nước; lĩnh vực 4: truyền thông; lĩnh vực 5: văn học nghệ thuật; lĩnh vực 6: khoa học kỹ thuật; lĩnh vực 7: khởi nghiệp sáng tạo. Cơ cấu giải thưởng gồm: giải Nhất 200 triệu đồng; giải Nhì 150 triệu đồng; giải Ba 100 triệu đồng.
UBND TPHCM cũng thành lập Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, do Chủ tịch UBND TPHCM làm Trưởng ban; các Phó ban gồm Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách lĩnh vực thi đua, khen thưởng, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở KH-CN.