Cuộc thi có 10 giải nhất, 20 giải nhì và 30 giải ba được trao cho 6 loại hình nghệ thuật gồm: văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh.
Trong đó, riêng văn học có 2 bộ giải thưởng dành cho thể loại thơ, truyện ngắn và ký; sân khấu có 3 bộ giải thưởng dành cho chèo, kịch nói, cải lương; điện ảnh có 2 bộ giải thưởng dành cho phim ngắn và phim dài. Đáng chú ý là giải nhất lần lượt là 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 300 triệu đồng tùy thuộc từng loại hình.
Thực tế cho thấy, không phải lúc nào một cuộc thi về văn học nghệ thuật ở địa phương cũng có giá trị giải thưởng cao như vậy. Đó thường là giải thưởng mang tầm quốc gia như: Giải thưởng Nhà nước (120 triệu đồng), Giải thưởng Hồ Chí Minh (180 triệu đồng). Hai giải thưởng này được trao nhờ sự đóng góp mang tính “cống hiến” của tác giả là chính. Không phải tác giả nào cũng đủ tầm vóc để có tên trong danh sách. Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật 5 năm lần thứ nhất của TPHCM có giá trị cao nhất là 100 triệu đồng cho điện ảnh và sân khấu; riêng văn học là 80 triệu đồng. Hiện tại, giải thưởng 5 năm lần thứ 2 vẫn chưa công bố nhưng được biết cũng không khác biệt so với lần thứ nhất; bởi theo quy định, giá trị hiện kim không được vượt quá giải thưởng mang tầm quốc gia.
Từ năm 2015, giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM chính thức trở thành giải thưởng hàng năm với trị giá 15 - 17 triệu đồng cho giải thưởng và 8 - 10 triệu đồng cho tặng thưởng. Năm trước, Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 cũng có giải nhất trị giá 70 triệu đồng. Trong năm nay, đang có nhiều cuộc thi truyện ngắn diễn ra như “Lửa ấm” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, “Người lao động hôm nay” của Báo Người Lao Động, “Một nửa làm đầy thế giới” của NXB Văn hóa - Văn nghệ, cuộc thi truyện ngắn và bút ký trên tạp chí Cửa Việt… Tuy nhiên, nhìn chung giá trị giải thưởng của các cuộc thi này không cao.
Thực tế này đặt ra câu hỏi: Văn chương của Việt Nam không có nhiều tác phẩm xuất sắc, phải chăng vì giá trị giải thưởng không cao, không đủ sức kích thích các nhà văn, nhà thơ sáng tạo? Nếu so với các lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu được các “đại gia” quan tâm tài trợ để thực hiện các tác phẩm, chương trình nghệ thuật, thì lĩnh vực văn học dường như vắng bóng hoàn toàn.
Vào năm 2006, nhà văn trinh thám người Nhật Mori Hiroshi sáng tác tiểu thuyết An Automaton in Long Sleep (Một con robot trong giấc ngủ dài), kể về con robot Steampunk không hoạt động/ngủ quên, đã thức dậy sau 120 năm. Tiểu thuyết được tài trợ bởi Coca Cola nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập công ty này và sau đó trở thành cuốn sách đầu tiên của Mori được chuyển thể thành series phim truyền hình hành động: Một con robot trong giấc ngủ dài (2006, TBS). Ngoài số tiền tài trợ 10 triệu yên (82.300 USD) để sáng tác, công ty này còn đầu tư số tiền 8,2 triệu yên (67.450 USD) cho việc xuất bản. Sau đó, tiểu thuyết này còn được chuyển thể thành phim, cũng mang về cho tác giả bộn tiền!
Từ trường hợp của nhà văn Mori Hiroshi, rõ ràng sự tài trợ là cần thiết, là cách giúp nhà văn không bị áp lực và có thể chuyên tâm vào sáng tác. Nhưng ở Việt Nam, biết tìm những “đại gia” như vậy ở đâu? Và liệu các nhà văn có sẵn sàng cho việc đầu tư này không? Bởi thực tế, từ năm 2007, Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu áp dụng hình thức đầu tư chiều sâu với mức cao nhất là 25 triệu đồng/người dành cho lĩnh vực sáng tác. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng hào hứng với chủ trương này. Về sau, hình thức này cũng không còn, mà chỉ còn xét giải hàng năm. Và 2 năm nay, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam liên tiếp “mất mùa” ở hạng mục văn xuôi và thơ!
Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, người ta thường nói “danh giá”, nội hàm của 2 chữ này đã nói lên tất cả. “Tùy theo mức độ, quy mô của giải thưởng mà người ta nhắm đến “danh” hay “giá”. Để tạo cú hích, kích thích cho người sáng tác thông qua việc nâng mức giải thưởng cũng cần thiết. Nếu điều kiện của các địa phương cho phép, có thể đẩy giải nhất lên 1 tỷ đồng. Điều này cũng rất đáng hoan nghênh”, nhà văn Trần Văn Tuấn cho biết.
“Tuy nhiên, không phải vì tiền thưởng lớn, thu hút nhiều người tham gia mà có được kết quả theo ý muốn. Việc kích thích bằng tiền, có thể là liều doping trong thể thao, trong văn chương vẫn cần nhưng không nên kỳ vọng nhiều, vì vấn đề quyết định cuối cùng vẫn là tài năng”, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nói thêm.