“Kỷ lục” tặng thưởng
Năm nay, thể loại thơ được trao cho trường ca Những ngọn khói về trời của nhà thơ Bùi Phan Thảo. Nhà văn Võ Thu Hương nhận giải Văn học thiếu nhi với tập truyện ngắn Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào. Giải Cống hiến được trao cho cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940-2022).
Không phải đến năm nay, Hội Nhà văn TPHCM mới phải bỏ trống một số giải thưởng vì không tìm ra tác phẩm xứng đáng để trao. Chuyện tương tự cũng từng diễn ra ở Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Hoàng Đình Quang cho rằng, chuyện này là hoàn toàn bình thường. Dẫu vậy, sự thiếu hụt giải thưởng dành cho văn xuôi, phần nào phản ánh tình hình văn xuôi chung của thành phố. “Mặt bằng văn xuôi của thành phố năm qua là thấp, thất bát. Theo tôi, muốn có tác phẩm tốt phải có người đọc tốt. Người đọc ở đây bao gồm bạn đọc, nhà phê bình, nhà quản lý, biên tập viên của các nhà xuất bản… Bởi vì, rất có thể những tác phẩm tốt nhưng lại đang nằm ở đâu đó, cần đến “con mắt xanh” của những người đọc đó. Nói chung không có giải văn xuôi thì cũng tiếc thật!”, nhà văn Hoàng Đình Quang bày tỏ.
Lẽ ra, Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2022 không để lại tiếc nuối như vậy, bởi năm qua có một tác phẩm sáng giá là tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương (NXB Tổng hợp TPHCM) của nhà văn Lý Lan - một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TPHCM. Có điều, tác phẩm này đã không “qua ải” Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM, nhưng lại được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022!
Dù “mất mùa” giải thưởng, nhưng tặng thưởng lại “được mùa” khi có tới 8 tác phẩm được trao, gồm: Phút bù giờ (tập thơ của Minh Đan), Tôi được sống (truyện và ký của Nguyễn Ngọc Hiến), Dòng biên viễn (tiểu thuyết của Hồ Thị Ngọc Hoài), Bản tình ca khúc khuỷu (truyện ký của Nguyễn Hồng Lam), Muội tro (tập truyện ngắn của Võ Chí Nhất), Tôi - em và một (tập thơ của Trần Trí Thông), Corona (trường ca của Xuân Trường) và Ngàn tiếng đời ấp ủ (tập thơ của Đinh Nho Tuấn). Đây có lẽ là “kỷ lục” của Hội Nhà văn TPHCM từ trước đến nay, cũng là “kỷ lục” hiếm có của làng văn. Theo nhà văn Hoàng Đình Quang: “Trao giải theo cách đại trà như vậy có thể là để động viên các tác giả phấn đấu, nhưng đồng thời cũng khiến người ta rất dễ bằng lòng. Như thế thì cũng không phải là hay”.
Cần sát cánh với người trẻ
Cùng với văn xuôi và lý luận phê bình, giải Nhà văn trẻ cũng phải bỏ trống. Ra đời từ năm 2011, dù đã hơn 10 năm, nhưng đến nay giải Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM mới chỉ trao cho 5 tác giả: Trần Minh Hợp (2011), Tiểu Quyên (2014), Lê Hữu Nam (2015), Ngô Thúy Nga (2016) và Trần Đức Tín (2021). Theo chia sẻ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ, năm qua, ban đã đề cử tập truyện ngắn Muội tro của tác giả trẻ Võ Chí Nhất, nhưng sau đó, tác phẩm này trở thành một trong 8 tác phẩm được nhận tặng thưởng.
Thực tế cho thấy, đội ngũ văn trẻ của TPHCM hiện nay khá hùng hậu. Trong danh sách 119 đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng vào tháng 6-2022, TPHCM đứng thứ 2 với 22 đại biểu. Tuy nhiên, danh sách này chỉ mang tính tương đối, bởi thực tế, để liệt kê thêm nữa, số lượng này chắc chắn không thua kém Hà Nội. Trong khi đó, năm qua, văn học trẻ TPHCM khá sôi động, nhiều tác giả có tác phẩm để lại dấu ấn như Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Dương Quỳnh, Phạm Anh Tuấn (bút danh Yang Phan), Nguyễn Khắc Ngân Vi… nhưng đáng tiếc, họ đã không được đề cử. Đặc biệt, trong số này có hai tác phẩm Ngủ ngon nhé, nàng thơ của Nguyễn Dương Quỳnh và Vụn ký ức của Phạm Anh Tuấn lọt vào chung khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7.
Thực tế này đặt ra một yêu cầu cho Ban Nhà văn trẻ nói riêng và Hội Nhà văn TPHCM nói chung, cần có sự động viên, chia sẻ thông qua việc đọc và tôn vinh tác giả trẻ một cách kịp thời và xứng đáng. Tránh để tình trạng tác phẩm thì có mà giải thưởng phải bỏ trống!
Tại chương trình tổng kết và trao giải mới đây, một trong những phương hướng hoạt động cho năm 2023 được nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đề cập với một quyết tâm cao là trẻ hóa hội viên và quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ nhà văn trẻ của thành phố. Theo đó, bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm, hội sẽ dành riêng một trại sáng tác cho các tác giả trẻ và giao cho Ban Nhà văn trẻ trực tiếp phụ trách.