Trước đó, tiền thân của giải là Giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản tổ chức thường niên, cũng là cơ hội để tôn vinh công việc của những người làm sách, giới thiệu đến bạn đọc cả nước những thành tựu trong năm của ngành xuất bản, giúp bạn đọc biết đến những cuốn sách hay, sách đẹp trên thị trường sách. Chính vì vậy, Giải thưởng Sách Quốc gia được nhận định là giải thưởng quy mô nhất trong ngành sách hiện nay.
Được tổ chức trang trọng tại một địa điểm rất có ý nghĩa với sách: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 1 đã tôn vinh 35 cuốn sách thuộc nhiều đề tài, từ văn học, nghiên cứu đến khoa học, giáo dục… Điều đáng nói là hầu hết các tác phẩm đều được đánh giá với chất lượng khá cao như cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư đạt giải A giải “Sách hay” (NXB Tổng hợp TPHCM). Tác phẩm này từng nhận được đánh giá tích cực vì có cái nhìn đa chiều thông qua cách thể hiện mang đậm tính học thuật.
Điều đáng chú ý là Giải thưởng Sách Quốc gia có sự tham gia tổ chức của Hội Xuất bản, nghĩa là từ chính những người làm sách, nên so với một số giải thưởng liên quan đến sách khác, giải có cái nhìn sâu hơn về những người đóng góp làm nên một cuốn sách hay, đẹp. Điển hình như những người làm việc in ấn, một trong 3 trụ cột ngành xuất bản Việt Nam (xuất bản, in, phát hành), thế nhưng họ hầu như rất ít được nhắc đến trong các giải thưởng về sách. Hiểu được điều đó mới có thể hiểu được vì sao khi nêu danh các nhà in góp phần tạo nên các cuốn sách đạt giải “Sách đẹp”, đại diện các đơn vị in như trường hợp Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ, đơn vị đạt giải B với tác phẩm Tri thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, đã hết sức xúc động khi nhận giải.
Thế nhưng, sau những giây phút hân hoan, nhìn lại giải thưởng cũng có những ý kiến đóng góp với mong muốn giải sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Điển hình như đề xuất cho rằng giải cần có sự phân chia cụ thể lĩnh vực, tránh để trường hợp các tác phẩm quá khác nhau cùng nằm trong một danh sách. Ý kiến này đề cập đến trường hợp Giải A Sách hay được trao cho một tác phẩm nghiên cứu văn hóa, một tác phẩm nghiên cứu lịch sử và một tác phẩm thuần túy khoa học (cuốn Vi tảo biển dị dưỡng Labyrinthula, Schizochytrium, Thraustochytrium mới ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức). Dĩ nhiên, không phải là tác phẩm không hay, không xứng đáng nhưng rõ ràng các tác phẩm chuyên biệt như vậy, không phải là loại sách mà mọi đối tượng độc giả đều quan tâm. Điều này cũng diễn ra ở Giải B Sách hay với tác phẩm Atlas giải phẫu gan, một tác phẩm gần như chỉ dành cho các chuyên gia ngành y. Sẽ hấp dẫn hơn nếu có sự phân chia cụ thể cho các mảng sách như khoa học, văn học, nghiên cứu… thay vì gom về một mối như giải thưởng năm nay.
Một chủ đề nữa cũng gây xôn xao dư luận ngay sau công bố về giải thưởng là trường hợp tác phẩm đạt Giải C Sách hay nhan đề Chim ưng và chàng đan sọt của tác giả Bùi Việt Sỹ (NXB Hội Nhà văn). Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết về nhân vật Phạm Ngũ Lão, gắn với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của dân tộc ta. Tác phẩm này từng bị vướng vào một vụ lùm xùm lớn về đạo văn vào năm 2016 mà Hội Nhà văn Việt Nam phải đứng ra làm trung gian giải quyết. Tất nhiên, tác phẩm được lựa chọn là trách nhiệm và uy tín của hội đồng giám khảo nhưng với các trường hợp sách từng bị cuốn vào các tranh chấp thì nên chăng có cả sự khẳng định về sự trong sạch của tác giả và tác phẩm nhằm tránh dư luận tiêu cực như đã từng xảy ra với nhiều giải thưởng khác.
Suy cho cùng, giải thưởng về sách chắc chắn là dành cho tất cả những người làm sách và dành cho bạn đọc. Nếu những tác phẩm được giải thưởng quốc gia mà chưa vươn tới tính đại chúng, được phần lớn bạn đọc ủng hộ, lại quá chuyên biệt, là điều chưa hợp lý. Đó cũng là điều tồn tại trong phần lớn các giải thưởng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay, thiếu hẳn sự tương tác, hưởng ứng, đánh giá của người tiếp nhận sản phẩm đó. Giải thưởng - cần nhưng chưa đủ, là vậy!