Tiềm năng để ngỏ
Đạo diễn Lý Minh Thắng (phim Công tử Bạc Liêu) chia sẻ: “Làm phim từ các chất liệu liên quan đến các giai thoại gặp thuận lợi là có đối tượng khán giả nhất định khi họ đã biết đến nhân vật, câu chuyện. Ít nhất chúng tôi đã có nền tảng ban đầu để có thể sáng tác”. Cũng theo anh, trong bối cảnh sản xuất phim hiện tại, một dự án nếu đã có tiếng vang, sự nhận diện ban đầu sẽ mang đến nhiều lợi thế cũng như cảm hứng trong quá trình phát triển câu chuyện.
Nói thêm về lý do mang hình tượng công tử Bạc Liêu lên màn ảnh rộng, đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng, câu chuyện này không chỉ hấp dẫn bởi những lời đồn, câu chuyện truyền miệng trong dân gian, mà còn ẩn giấu những câu chuyện thú vị đằng sau. Do đó, ê-kíp thực hiện muốn đưa khán giả vào hành trình khám phá những góc khuất bất ngờ đằng sau lối sống ngông cuồng của cậu Ba Hơn, đặc biệt là hành trình trưởng thành đầy cảm xúc, nơi nhân vật chính từng bước khám phá và định nghĩa lại giá trị bản thân mình.
Nhà sản xuất Will Vũ cũng đồng tình quan điểm trên: “Thay vì phải tốn nhiều thời gian sáng tạo nên các nhân vật mới, thì việc khai thác các nhân vật đã có sẵn, được nhiều người biết đến sẽ dễ dàng hơn nhiều. Từ cái nền có sẵn đó, người sáng tác có thể đắp nặn thêm các chi tiết, đời sống cho nhân vật sao cho hợp lý và giàu sức sống mới”, anh phân tích. Dẫn chứng thêm từ quá trình thực hiện Chị chị em em 2, Will Vũ cho biết, ở giai đoạn tìm hiểu tư liệu, có nhiều ghi chép để lại khẳng định cô Ba Trà có một người em gái kết nghĩa, là cô gái nghèo tên Tư Nhị. Cũng theo một số tư liệu, cô Tư Nhị sau này đã trở nên nổi tiếng và lấy hết mọi thứ của cô Ba Trà. Tuy nhiên, câu chuyện cụ thể về mối quan hệ giữa cô Ba Trà và cô Tư Nhị thì không có tài liệu nào nhắc đến. Dựa trên thông tin đó, đoàn phim đã có những sáng tạo, hư cấu xoay quanh nhân vật Tư Nhị nhằm đẩy kịch tính, tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.
Điện ảnh Việt mới có số ít tác phẩm được thực hiện dựa trên những giai thoại nổi tiếng. Giai thoại về nhân vật Ba Trà cũng từng là nguồn cảm hứng cho một số bộ phim truyền hình như: Mỹ nhân Sài thành, Mộng phù hoa... Đạo diễn Đức Thịnh từng thực hiện Trạng Quỳnh, dựa trên những giai thoại về một nhân vật nổi tiếng trong các chuyện kể văn học dân gian Việt Nam. Hay xa hơn, thập niên 1970, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã từng tạo nên cơn sốt phòng vé với tác phẩm kinh dị Con ma nhà họ Hứa, dựa trên một giai thoại truyền miệng nổi tiếng về hồn ma cô con gái út của chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa). Gần đây nhất, đạo diễn Nhất Trung công bố dự án Đồi thông hai mộ, được hứa hẹn là một chuyện tình đẫm nước mắt về một giai thoại tình yêu lãng mạn thập niên 1950.
Rào cản hiện hữu
Đạo diễn Lý Minh Thắng và nhà sản xuất Will Vũ đều khẳng định còn có rất nhiều giai thoại hấp dẫn có thể đưa lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, việc thực hiện những bộ phim từ các giai thoại còn gặp nhiều thách thức.
Khó khăn đầu tiên là khâu sản xuất. Đa phần các giai thoại đã diễn ra ở thời quá khứ nên việc tái hiện không hề đơn giản. Từ giai đoạn tiền kỳ để xây dựng kịch bản, cho đến việc tái hiện bối cảnh đều tốn nhiều kinh phí hơn so với các dòng phim khác. Như Công tử Bạc Liêu, chỉ tính riêng kinh phí cho khâu bối cảnh, đạo cụ, phục trang… đã trên 10 tỷ đồng. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ, quá trình xây dựng bối cảnh của Chị chị em em 2 rất phức tạp và tốn kém, do các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, phương tiện xe cộ, quần áo, bảng hiệu... qua 100 năm đã không còn nhiều, vì vậy gần như đoàn phải làm lại tất cả mọi thứ. “Việc phải dựng lại cả con phố với nhà cửa, người, xe cộ tấp nập tốn nhiều thời gian và chi phí”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thông tin.
Khó khăn chung nữa của các nhà làm phim là trong rất nhiều điểm thú vị về nhân vật, sẽ phải chọn tình tiết nào, giai đoạn nào trong cuộc đời của họ để đưa vào kịch bản. Đạo diễn Lý Minh Thắng cho hay, trong quá trình làm Công tử Bạc Liêu, khi phân tích các dữ liệu, anh rất lo lắng vì các chi tiết đều hay nên việc gói gọn trong một bộ phim điện ảnh là thách thức không hề nhỏ. “Ai cũng nghĩ mình đã có sẵn hết câu chuyện, chỉ cần sắp xếp lại là thành kịch bản. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, vấn đề đặt ra là mình sẽ kể câu chuyện gì về giai thoại đó để vẫn đảm bảo hấp dẫn với khán giả đương đại”, nhà sản xuất Will Vũ cho biết.
Việc lựa chọn các chi tiết đưa vào phim vì thế luôn là một áp lực lớn với các nhà sản xuất. Các nhân vật, giai thoại đều có chất độc đáo, hấp dẫn, nên việc chọn các chi tiết, sự kiện phải vừa đáp ứng tính giải trí vừa phù hợp với thị hiếu của khán giả. Nếu nhồi nhét quá nhiều, bộ phim có nguy cơ trở thành phim tài liệu về cuộc đời của nhân vật. Đó là lý do Công tử Bạc Liêu mất 3 năm tìm hiểu, sửa 10 bản thảo, 5 định hướng xây dựng câu chuyện, thậm chí còn phải thay đổi diễn viên chính cho phù hợp.
Với Chị chị em em 2 và Công tử Bạc Liêu, các nhà làm phim đều áp dụng công thức giữ 50% chuyện gốc và 50% sáng tạo mới. Để giải quyết bài toán này, theo đạo diễn Lý Minh Thắng, có hai cách: bám theo giai thoại đó và đi đến tận cùng, khiến khán giả thích thú với chính sự tưởng tượng của mình và được thỏa mãn về hình ảnh, diễn xuất, hoặc tìm điểm bất ngờ để lật lại những hình dung, tưởng tượng trước đây của khán giả. Và cuối cùng, anh chọn cách kết hợp cả hai. Sau Chị chị em em 2, nhà sản xuất Will Vũ cho biết anh chưa tìm được giai thoại nào mang đến cho mình nhiều cảm hứng như khi đọc về cuộc đời cô Ba Trà để có thể lập tức bắt tay vào làm. Do đó, anh chưa nghĩ tới việc sẽ tiếp tục thực hiện dòng phim này.